50 năm kể từ ngày non sông nối liền một dải, ký ức về mùa Xuân đại thắng vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận, nhắc nhở mỗi người Việt Nam về giá trị của hòa bình – thứ thiêng liêng được đánh đổi bằng biết bao máu, mồ hôi và nước mắt. Trong không khí linh thiêng của đại lễ 30/4/2025, hàng ngàn trái tim cùng hòa chung một nhịp đập, từ những chiến sĩ quân đội cho đến các văn nghệ sĩ, vận động viên, sinh viên, học sinh.
Giữa đội hình diễu hành rực rỡ cờ hoa năm nay, sự xuất hiện của những nghệ sĩ trẻ như Hoa hậu Bảo Ngọc, đạo diễn Hoàng Nhật Nam, Á vương Tuấn Ngọc, Hoa hậu Thanh Thủy, ca sĩ Phương Thanh, diễn viên Tiến Luật, Hoa hậu Kiều Duy, ca sĩ Thúy Ngân, Hoa hậu Ngọc Châu… không chỉ là niềm tự hào cá nhân mà còn là biểu tượng cho một thế hệ mới biết trân trọng lịch sử, biết tiếp nối và lan tỏa giá trị dân tộc bằng chính hành động và trái tim mình.
Mỗi bước chân trong đội ngũ diễu hành, mỗi nụ cười rạng rỡ giữa biển cờ đỏ, là lời nhắc nhở rằng hòa bình không phải điều tự nhiên mà có, và những người trẻ hôm nay có trách nhiệm viết tiếp câu chuyện Việt Nam bằng tất cả niềm tự hào và biết ơn. Trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi trước thềm lễ Diễu binh, diễu hành, các nghệ sĩ đã chia sẻ những cảm xúc chân thành nhất – từ niềm xúc động khi hoà vào dòng người reo vang hai tiếng “Việt Nam”, đến sự biết ơn sâu sắc dành cho thế hệ cha ông, và cả những trăn trở về vai trò của mình trong việc lan tỏa tình yêu đất nước tới giới trẻ hôm nay.
Dàn nghệ sĩ hào hứng trong những ngày sơ duyệt, tập luyện diễu hành ngày 30/4
Hoa hậu Thanh Thuỷ: “Mỗi buổi tập duyệt là lúc mình được sống trong tinh thần tập thể gắn kết và cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần Việt Nam”
Ngay từ khoảnh khắc nhận được lời mời góp mặt trong đội hình diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hoa hậu Thanh Thủy đã cảm thấy vô cùng tự hào và vinh dự. Cô chia sẻ rằng mình đã sắp xếp lại toàn bộ lịch trình công việc để tham gia đầy đủ các buổi tập luyện, dù lịch trình di chuyển rất bận rộn. Có lần, vừa bay từ Hà Nội vào TP.HCM, Thanh Thủy đã vội vã chạy ngay đến buổi tập tối, trong lòng rộn ràng cả vì lo lắng lẫn háo hức. “Với Thủy, mỗi buổi tập duyệt là lúc mình được sống trong tinh thần tập thể gắn kết và cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần Việt Nam, sự đồng lòng của cả dân tộc vì một tình yêu Tổ Quốc”, cô bày tỏ.
Khi đứng giữa dòng diễu hành vào ngày trọng đại, cảm xúc đầu tiên của Thanh Thủy là niềm tự hào sâu sắc. Đặc biệt, khi nhìn thấy dòng người xếp hàng dài từ rất sớm trên các tuyến phố, tay vẫy cờ đỏ sao vàng, cô càng thấm thía hơn tình yêu nước và tinh thần đoàn kết bất diệt của dân tộc. Một trong những khoảnh khắc khiến Thanh Thủy xúc động nhất chính là khi đoàn diễu hành đi qua những tuyến phố rợp cờ hoa, nghe tiếng vỗ tay, tiếng reo hò vang dội của người dân: “Dù tối muộn hay sáng sớm, mọi người vẫn ở đấy, vẫn đồng lòng hô vang ‘Việt Nam'”.

Giữa không khí trang nghiêm và linh thiêng của ngày đại lễ, Thanh Thủy cảm nhận sâu sắc ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng “hòa bình”. Cô ví von: “Hòa bình không chỉ là hiện thân của tự do, độc lập, mà còn là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay phải luôn trân trọng, bảo vệ và phát huy những giá trị cao đẹp ấy bằng tất cả tình yêu và trách nhiệm với Tổ Quốc”.
Nếu phải trả lời cho câu hỏi “Hòa bình đẹp như thế nào?”, Hoa hậu Thanh Thủy không ngần ngại khẳng định: “Hòa bình – với Thủy là bầu trời trong xanh, là nơi những giấc mơ được tự do nảy mầm và là từng khoảnh khắc bình dị trong đời sống”. Được sống, được yêu thương, được làm việc và cống hiến hết mình vì lý tưởng, với cô, chính là những điều đẹp nhất mà hòa bình mang lại.
Chia sẻ về vai trò của nghệ sĩ trong việc lan tỏa tình yêu quê hương, Thanh Thủy nhấn mạnh: Mỗi nghệ sĩ có thể truyền cảm hứng không chỉ qua những tác phẩm nghệ thuật, mà còn qua cách sống, cách ứng xử và những giá trị mà họ lan tỏa hàng ngày. Với Thủy, sức mạnh của nghệ thuật là chạm đến trái tim, và cô hy vọng bằng sự chân thành của mình, sẽ góp phần thắp lên ngọn lửa yêu nước trong thế hệ trẻ hôm nay.

Hoa hậu Tiểu Vy: “Dù mưa ướt áo, các khối lực lượng quân đội Việt Nam vẫn đứng hiên ngang, không rời vị trí”
Vinh dự được góp mặt trong đội hình diễu hành cùng khối văn nghệ sĩ trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hoa hậu Tiểu Vy chia sẻ cảm xúc xúc động xen lẫn tự hào. Đối với cô, đây là một cột mốc trọng đại mà thế hệ trẻ như Vy chỉ có cơ hội chứng kiến một lần trong đời, bởi vậy từng khoảnh khắc tham gia đều được cô trân trọng.
Dù lịch trình cá nhân bận rộn, Hoa hậu Tiểu Vy vẫn chủ động sắp xếp thời gian, ưu tiên tuyệt đối cho những buổi tập luyện. Cô tâm sự, được đồng hành cùng người dân cả nước trong khoảnh khắc lịch sử không chỉ là vinh dự mà còn là điều cô luôn mong chờ nhất trong hành trình thanh xuân của mình. Khoảnh khắc hòa mình giữa dòng diễu hành, khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên nền trời xanh, giữa những con người tưởng chừng xa lạ nhưng cùng chung một niềm vui – niềm vui của tự do và độc lập – đã để lại trong lòng Tiểu Vy những cảm xúc khó quên. Cô cho biết, lần đầu tiên, bản thân cảm nhận rõ sự nhỏ bé của mình giữa dòng chảy lịch sử, nhưng cũng tự hào vì được trở thành một phần trong cột mốc thiêng liêng của dân tộc.
Trong suốt quá trình tập luyện, điều khiến Tiểu Vy xúc động nhất là những buổi tổng duyệt gặp cơn mưa bất chợt. Dù mưa xối xả, các khối lực lượng quân đội vẫn đứng hiên ngang, kiên cường không rời vị trí. Khoảnh khắc mọi người cùng nhau cầu mong mưa tạnh, rồi chỉ vài phút sau, trời quang mây tạnh, như một lời động viên vô hình, đã khiến cô thêm tự hào về tinh thần đoàn kết, kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Với Hoa hậu Tiểu Vy, hai tiếng “hòa bình” mang một ý nghĩa thiêng liêng và sâu sắc. Đó không chỉ là hiện thân của tự do, mà còn là biểu tượng cho những hy sinh, mất mát không thể đo đếm của biết bao thế hệ cha ông. Cô cho rằng, chính nhờ sự đổi bằng máu và nước mắt ấy mà thế hệ hôm nay có thể tự do sống, học tập và phát triển trong một đất nước độc lập, vững mạnh.
Hoa hậu Tiểu Vy chia sẻ: “Hòa bình đẹp như nụ cười rạng rỡ trên gương mặt mỗi người dân Việt Nam hôm nay – nụ cười an nhiên của độc lập, tự do, hạnh phúc.” Với cô, hòa bình còn là vẻ đẹp của một tương lai tươi sáng, nơi thế hệ trẻ có thể tự do theo đuổi ước mơ, cống hiến và viết tiếp những trang sử mới bằng trái tim biết ơn và những hành động thiết thực. Trong vai trò một nghệ sĩ trẻ, Tiểu Vy tin rằng nghệ thuật có sức mạnh đặc biệt để đánh thức và lan tỏa lòng tự hào dân tộc. Thông qua những tác phẩm âm nhạc, hình ảnh, câu chuyện mang đậm giá trị văn hóa và lịch sử, nghệ sĩ có thể truyền cảm hứng để thế hệ trẻ thêm yêu nước, thêm tự hào về hành trình hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Hoa hậu Bảo Ngọc: “Tôi vô cùng bất ngờ vì sự ủng hộ của mọi người dành cho đoàn diễu binh, diễu hành rất lớn”
Được tham gia vào đội diễu hành, Hoa hậu Bảo Ngọc không giấu được niềm xúc động. Cô chia sẻ: “Giây phút đó tôi không đắn đo gì mà chỉ nghĩ làm sao để đóng góp cho cuộc diễu hành lần này”. Dù lịch trình bận rộn, Bảo Ngọc vẫn cố gắng sắp xếp thời gian tham dự đầy đủ các buổi tổng duyệt, bởi với cô, 50 năm mới có một dịp đặc biệt như thế này, và ở tuổi 24–25, cô muốn được lưu giữ trọn vẹn từng khoảnh khắc đáng nhớ.
Tham gia các buổi tập luyện, Bảo Ngọc cảm nhận rõ tinh thần nhiệt huyết, chuyên nghiệp và tận tâm không chỉ từ các bạn trẻ mà còn từ rất nhiều cô chú, anh chị trong đoàn. Mỗi người đều mang trong mình một sự háo hức và trách nhiệm khi góp mặt trong đại lễ trọng đại của dân tộc.
Ngày chính thức diễu hành, Bảo Ngọc không khỏi bất ngờ và xúc động trước sự ủng hộ nồng nhiệt của người dân. “Tôi vô cùng bất ngờ vì sự ủng hộ của mọi người dành cho đoàn diễu binh, diễu hành rất lớn. Khi đoàn văn nghệ sĩ qua, chúng tôi cũng nhận được sự cổ vũ nhiệt thành từ người dân”, cô bồi hồi kể lại. Hình ảnh màu cờ, sắc áo đỏ thắm phủ kín các tuyến đường, những tiếng reo hò, vẫy tay rộn ràng đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp về tình yêu nước lan tỏa khắp nơi.

Một khoảnh khắc khiến Bảo Ngọc đặc biệt ấn tượng chính là khi các chiến sĩ hát vang những ca khúc quê hương trong suốt hành trình diễu hành. Những giai điệu quen thuộc vang lên khiến tất cả mọi người, từ người tham gia đến khán giả hai bên đường, như hòa chung nhịp đập của trái tim Việt Nam. “Tôi nghĩ đây là dịp rất hiếm hoi để người dân Việt Nam có thể hoà chung một khúc hát như vậy”, cô nói.
Đối với Bảo Ngọc, vẻ đẹp của hòa bình không chỉ hiện hữu trong những ngày lễ lớn, mà còn trong từng buổi sáng yên bình, khi cờ và hoa ngập tràn trong ánh nắng. Cô nhấn mạnh: “Hòa bình không đến một cách hiển nhiên và miễn phí mà là sự hy sinh, cống hiến máu, mồ hôi, nước mắt của bao thế hệ cha ông, bao tầng lớp trong xã hội.” Chính vì thế, Bảo Ngọc luôn tự nhủ phải biết ơn những giá trị ấy bằng cách nỗ lực hoàn thiện bản thân hơn nữa để đóng góp cho đất nước, như một cách tri ân lặng lẽ nhưng ý nghĩa nhất.
Hoa hậu Kiều Duy: “Hòa bình đẹp như nụ cười bình yên của người dân khi nhìn thấy từng khối diễu binh, diễu hành!”
Khi nhận được lời mời góp mặt trong đội hình diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, Hoa hậu Kiều Duy không giấu được niềm xúc động. Duy chia sẻ, lần đầu biết tin mình được góp mặt, cô vừa cảm thấy vinh dự, háo hức, vừa có đôi chút áp lực. Với vai trò là Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024, Kiều Duy luôn dành nhiều sự quan tâm đến các hoạt động cộng đồng, xã hội, mong muốn lan toả rộng rãi hơn những giá trị truyền thống và tinh thần Việt Nam. Lần tham gia diễu hành này là cơ hội để Kiều Duy thể hiện sự nhiệt huyết và quyết tâm cống hiến của mình.
Nàng hậu thừa nhận, là một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất của khối Thể thao – Văn hóa, ban đầu cô không khỏi áp lực khi được xếp chung đội hình với những gương mặt nghệ sĩ, vận động viên mà mình ngưỡng mộ. Tuy nhiên, trong suốt những ngày tập luyện, Kiều Duy đã nhận được sự chỉ dẫn tận tình, thân thiện từ các anh chị, giúp không khí tập luyện luôn vui vẻ và gắn kết. Để chuẩn bị tốt nhất, Kiều Duy ưu tiên toàn bộ lịch trình cá nhân cho những ngày tập luyện, bởi với cô, đây là trách nhiệm thiêng liêng đối với sự kiện trọng đại của dân tộc.

Khi đứng giữa dòng diễu hành, giữa tiếng reo hò, chào đón nồng nhiệt từ người dân, Kiều Duy mô tả cảm xúc trong lòng mình như “rung lên vì tự hào”, cảm xúc khác hẳn khi được gọi tên đăng quang. Hoa hậu gen Z bày tỏ: “Trước đây Duy đã từng đứng trước sân khấu hàng ngàn khán giả và tim đập như vỡ tung trong khoảnh khắc MC chuẩn bị gọi tên người đăng quang, nhưng lần này khi đứng giữa hàng ngũ diễu hành, bước đi trong những tiếng reo hò, cảm xúc hoàn toàn rất khác. Tim mình rung lên vì hào hứng và đương nhiên, nó cũng rung lên vì cảm thấy quá đỗi tự hào, đó là cảm giác xúc động và lâng lâng khó tả”.
Nhắc về những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong những ngày tập luyện, tổng duyệt, Kiều Duy không thể quên sự chuyên nghiệp và tinh thần lạc quan của các chiến sĩ: “Khoảnh khắc cả đoàn diễu hành phải trú mưa trong khẩn cấp thì các anh chiến sĩ vẫn ở đó, cùng hát vang cho đến khi trời mưa tạnh. Họ không hề lúng túng trước trường hợp bất ngờ, họ sẵn sàng đối phó và không một chút nề hà nào. Duy cảm động vô cùng trước hình ảnh này”.
Là người thuộc thế hệ tận hưởng bầu không khí hoà bình, Kiều Duy không nén được xúc động: “Giữa không khí của Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rất nhiều sự kiện đã được diễn ra, những người trẻ như Duy được lần những nghe kể lại những câu chuyện vẻ vang của dân tộc, từ đó hiểu rõ những hy vọng to lớn mà thế hệ trẻ phải nỗ lực viết tiếp cho mai sau. Duy đã từng nghe câu nói: ‘Nụ cười mà chúng ta có hôm nay, được đánh đổi bởi máu, mồ hôi và nước mắt của bao con người đã nằm xuống mãi mãi’. Hòa bình đã luôn ở đó khi chúng ta sinh ra, nhưng đừng quên rằng phải có quá khứ mới có hiện tại. Duy hiểu rằng chúng ta phải luôn sống với sự biết ơn sâu sắc dành cho thế hệ trước. Duy nghĩ rằng người nghệ sĩ, làm nghệ thuật, hoặc các hoạt động hướng về cộng đồng sẽ mang một tiếng nói mềm mỏng và linh hoạt hơn, cũng như có thể nhiều công cụ để tiếp cận mọi người hơn bằng cách kết hợp âm thanh, hình ảnh, màu sắc, thậm chí cả tương tác, tạo ra những trải nghiệm đa giác quan, giúp giới trẻ ghi nhớ và cảm thụ lịch sử một cách sâu sắc hơn”.

Hoa hậu Ngọc Châu: “Với tôi, được tham gia diễu hành là niềm tự hào, xúc động rất lớn”
Khi có tên trong đội ngũ diễu hành mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam – Thống nhất đất nước, Hoa hậu Ngọc Châu xem đó là một trong những vinh dự lớn trong hành trình làm nghề và cống hiến. Với cô, đây không chỉ là một sự kiện trọng đại mang ý nghĩa quốc gia, mà còn là khoảnh khắc thiêng liêng để mỗi người dân Việt Nam được hòa chung một nhịp đập, cùng tưởng nhớ công lao của cha ông đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.
“Đây là một chương trình vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa. Với tôi, đó là niềm tự hào, là sự xúc động rất lớn,” Ngọc Châu chia sẻ. Người đẹp cũng cho rằng, bên cạnh việc phát triển bản thân, mỗi người trẻ cần nuôi dưỡng ý thức đóng góp cho sự phát triển và vươn mình của đất nước – đó chính là cách để sống trọn vẹn trong nền hòa bình mà thế hệ đi trước đã đánh đổi bằng máu và nước mắt.

Diễn viên Thuý Ngân: “Tôi đã nôn nao tới mức thức tới sáng để đợi tập duyệt”
Với Thúy Ngân, việc có tên trong đội hình diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một vinh hạnh mà bản thân cô chưa từng dám nghĩ tới trước đây. Ngân xúc động chia sẻ: “Thậm chí, trước đó mình chưa từng dám nghĩ về điều này. Ngân đã nôn nao tới mức thức tới sáng để đợi tập duyệt”. Dù lịch trình cá nhân vô cùng dày đặc với lịch quay phim truyền hình mới, Thúy Ngân vẫn ưu tiên tuyệt đối cho sự kiện trọng đại này.
Khoảnh khắc đứng giữa dòng người diễu hành, trong không khí rợp cờ đỏ sao vàng và tiếng hô vang hào sảng, với Thúy Ngân là một ký ức không thể nào quên. Cô bồi hồi nhớ lại: “Tôi chỉ nhớ mỗi lời nhạc vang lên một cách hào hùng là mỗi bước chân Ngân ngày càng mạnh mẽ. Không hiểu sao lúc đó trong người tràn ngập khí thế và tự hào”.

Với Thúy Ngân, hai tiếng “hòa bình” không chỉ đơn thuần là một khái niệm lịch sử, mà còn là nền tảng tạo nên mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống hôm nay. “Tôi may mắn sinh ra và lớn lên trong thời bình. Bởi thế, mọi điều đẹp nhất của cuộc đời bản thân mình, của ba mẹ mình, người thân hay mọi người xung quanh… đều được tạo nên bởi cốt lõi 2 tiếng hoà bình,” nữ diễn viên xúc động chia sẻ. Với cô, hòa bình chính là nguồn gốc tạo nên những nụ cười, những ước mơ và cả tương lai rực rỡ cho thế hệ hôm nay.
Nói về vai trò của nghệ sĩ trong việc lan tỏa tình yêu quê hương đất nước đến giới trẻ, Thúy Ngân khiêm tốn cho rằng bản thân không dám ví von công việc của mình quá lớn lao. Nhưng với cô, với tư cách là một công dân Việt Nam, được chia sẻ lòng tự hào dân tộc là một trách nhiệm thiêng liêng. “Là người của công chúng, trách nhiệm này đối với Ngân cần trở nên mạnh mẽ hơn, để năng lượng lan tỏa đủ mạnh tới những khán giả của mình. Để câu chuyện về một Việt Nam thịnh vượng, thống nhất, hùng mạnh và đầy yêu thương được lan khắp. Từ đó mọi thứ kết nối và nhân rộng,” cô nhấn mạnh.
Diễn viên Tiến Luật: “Tôi mong đến ngày 30/4 thì khí thế này sẽ tăng lên gấp 5, gấp 10 lần”
Là một trong những nghệ sĩ tham gia đội hình diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, diễn viên Tiến Luật không giấu được niềm tự hào. Anh chia sẻ: “Tôi rất tự hào, dù có công việc riêng nhưng vẫn ưu tiên cho Sơ duyệt, tập luyện diễu hành lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.”
Trong những buổi tập luyện, Tiến Luật cảm nhận rõ bầu không khí tràn đầy năng lượng và tinh thần đoàn kết. “Mọi người có thể quan sát xung quanh, ai cũng rất vui vẻ và hào hứng, hừng hực khí thế,” anh kể. Không chỉ vậy, nam diễn viên hài còn kỳ vọng: “Tôi mong đến ngày 30/4 thì khí thế này sẽ tăng lên gấp 5, gấp 10 lần.” Đối với Tiến Luật, được cùng hàng ngàn người dân và đồng đội hoà chung nhịp bước trong ngày trọng đại của dân tộc là một trải nghiệm đặc biệt, vừa xúc động vừa tự hào.

Ca sĩ Phương Thanh: “Tôi được sống trong không khí của những ngày rất đẹp và thiêng liêng”
Trong những ngày tập luyện chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, ca sĩ Phương Thanh xúc động chia sẻ về những cảm xúc đặc biệt mà cô được trải qua. “Trong những ngày tập luyện, tôi được sống trong những cảm xúc rất đặc biệt. Tôi được sống trong không khí của những ngày rất đẹp và thiêng liêng,” Phương Thanh nói.
Với nữ ca sĩ, mỗi bước chân trong đội hình diễu hành không chỉ đơn thuần là một phần trình diễn, mà còn là sự hoà mình vào dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc. Cảm xúc bồi hồi, tự hào như tiếp thêm cho cô nguồn năng lượng mới, để không chỉ hát lên tình yêu quê hương đất nước, mà còn sống trọn với từng khoảnh khắc thiêng liêng này.

Á vương Quốc tế Tuấn Ngọc: “Hòa bình là món quà thiêng liêng nhất mà thế hệ cha ông đã đánh đổi bằng máu xương để trao lại cho chúng ta”
Được góp mặt trong đội hình diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một niềm vinh dự và tự hào lớn lao đối với Á vương quốc tế Tuấn Ngọc. Anh chia sẻ rằng, đây là dịp thiêng liêng để tưởng nhớ và tri ân những thế hệ cha ông đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Dù lịch trình công việc bận rộn, Tuấn Ngọc vẫn ưu tiên sắp xếp thời gian, gác lại mọi kế hoạch cá nhân để tham gia đầy đủ các buổi tập luyện. Với anh, được sải bước trong đội hình diễu hành vào ngày 30/4 không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào sâu sắc của một người con đất Việt.
Khi đứng giữa dòng người diễu hành trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, Tuấn Ngọc không giấu được sự xúc động. Anh kể, tim mình như nghẹn lại khi nhìn dòng người xếp hàng dài từ sáng sớm, trên tay phấp phới những lá cờ đỏ sao vàng, ánh mắt ai cũng ánh lên niềm tự hào. “Đó là hình ảnh không bao giờ phai trong ký ức – một Việt Nam kiên cường, bất khuất, đoàn kết và tràn đầy tình yêu quê hương đất nước,” Tuấn Ngọc xúc động nhớ lại.
Khoảnh khắc khiến Tuấn Ngọc thực sự xúc động chính là khi lá cờ Tổ quốc tung bay trên nền trời xanh thẳm, trong tiếng nhạc hào hùng vang lên khắp không gian. Những ngày tập luyện cùng đồng đội và các chiến sĩ cũng để lại cho anh nhiều kỷ niệm khó quên. Trong không khí thiêng liêng của ngày 30/4, Tuấn Ngọc cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết ý nghĩa của hai tiếng “hòa bình”. Với anh, hòa bình không chỉ là sự yên ổn của một đất nước, mà còn là niềm kiêu hãnh, là khát vọng được sống, được yêu thương và dựng xây tương lai tốt đẹp. Anh thẳng thắn bày tỏ: “Hòa bình là món quà thiêng liêng nhất mà thế hệ cha ông đã đánh đổi bằng máu xương để trao lại cho chúng ta”.

Nếu được hỏi “Hòa bình đẹp như thế nào?”, Tuấn Ngọc nhẹ nhàng trả lời: “Hòa bình đẹp như ánh nắng đầu tiên sau cơn bão giông – ấm áp, trong trẻo, và chứa đựng biết bao hy sinh thầm lặng. Hòa bình đẹp từ tiếng cười trẻ nhỏ, từ những mùa lúa chín vàng, từ những công trình vươn lên giữa trời xanh. Và hơn hết, hòa bình đẹp vì nó cho chúng ta quyền được mơ ước, được yêu nước theo cách bình dị nhất – bằng trái tim biết ơn và hành động tử tế mỗi ngày.”
Ở vai trò nghệ sĩ trẻ, Tuấn Ngọc tin rằng nghệ sĩ hôm nay chính là những “ngọn lửa truyền cảm hứng” cho thế hệ trẻ. Không chỉ qua những tác phẩm nghệ thuật, mà còn qua cách sống, cách ứng xử và những câu chuyện hàng ngày, nghệ sĩ có thể giúp lịch sử đến gần với các bạn trẻ hơn, truyền tải tình yêu quê hương đất nước một cách tự nhiên và sâu sắc. “Bằng sự chân thành và tâm huyết, chúng ta có thể biến lịch sử thành những câu chuyện sống động, để tình yêu Việt Nam mãi mãi được nuôi dưỡng trong từng trái tim trẻ,” Tuấn Ngọc nhấn mạnh.
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: “Hai tiếng hòa bình là một đặc ân mà chúng ta hôm nay đang thừa hưởng”
Với đạo diễn Hoàng Nhật Nam, việc góp mặt trong đội hình diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không đơn thuần là một lời mời tham dự sự kiện, mà là một lời nhắc nhở rất đẹp về trách nhiệm và niềm tự hào dân tộc. Anh chia sẻ: “Trong suốt nhiều năm làm nghề, tôi đã đi qua nhiều sân khấu, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng đứng trong hàng ngũ diễu hành đúng dịp kỷ niệm tròn 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một khoảnh khắc rất riêng, rất đặc biệt.”
Để chuẩn bị cho sự kiện ý nghĩa này, Hoàng Nhật Nam đã chủ động sắp xếp công việc, gác lại lịch trình cá nhân, dành trọn thời gian cho những buổi tập luyện. Với anh, sự chỉnh chu, nghiêm túc trong từng bước chân, từng đội hình không chỉ là thể hiện tinh thần trách nhiệm, mà còn là cách tri ân sâu sắc nhất với lịch sử hào hùng của dân tộc.
Khi chính thức đứng giữa dòng người diễu hành trong ngày trọng đại, Hoàng Nhật Nam cảm nhận rõ giá trị thiêng liêng của sự đoàn kết dân tộc. “Nhìn những cụ già, em nhỏ và rất nhiều người dân đứng chờ từ sớm, ánh mắt chan chứa niềm tự hào, tôi hiểu rằng đó không chỉ là một sự kiện kỷ niệm, mà là một ngày để mỗi người Việt, dù ở thế hệ nào, cũng được kết nối với nhau bằng tình yêu nước và lòng biết ơn sâu sắc với thế hệ đi trước,” anh xúc động chia sẻ.

Chú thích ảnh
Khoảnh khắc khiến đạo diễn Hoàng Nhật Nam xúc động nhất chính là lúc những bài ca yêu nước ngân vang giữa không gian rộng lớn của lễ diễu hành. Những giai điệu quen thuộc như “Như có Bác trong ngày đại thắng”, “Đất nước trọn niềm vui” khiến sống lưng anh lạnh đi, tim thắt lại vì xúc động. “Những lời ca ấy không chỉ đơn thuần là âm nhạc, mà là tiếng lòng của cả một dân tộc từng đổ máu để giữ lấy hôm nay,” Hoàng Nhật Nam nói. Đó là lúc anh nhìn thấy trong ánh mắt người dân ngân ngấn nước, có người lặng lẽ hát theo – một khoảnh khắc quá đỗi thiêng liêng, kết nối hiện tại với ký ức lịch sử.
Với Hoàng Nhật Nam, hòa bình không phải điều tự nhiên mà có, mà là thành quả của biết bao hy sinh, mất mát. Anh bày tỏ: “Hòa bình là một đặc ân mà mỗi chúng ta hôm nay đang thừa hưởng. Là quyền được tự do mơ ước, được sống trọn vẹn với nghề nghiệp, đam mê và gia đình. Là việc có thể dắt con nhỏ đi chơi giữa phố phường yên bình mà không phải nơm nớp lo âu”. Nếu ai hỏi anh “Hòa bình đẹp như thế nào?”, Hoàng Nhật Nam nhẹ nhàng trả lời: “Đó là vẻ đẹp của những buổi sáng yên bình khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời trong xanh, là tiếng cười trẻ thơ, là ánh mắt an yên của những người già ngồi trước hiên nhà mà không còn nỗi lo chiến sự.
Ở vai trò đạo diễn, Hoàng Nhật Nam càng thấm thía sâu sắc vai trò của nghệ sĩ trong việc lan tỏa giá trị lịch sử và lòng yêu nước tới giới trẻ. Anh cho rằng: “Nghệ sĩ là người giữ lửa cho ký ức dân tộc, là người kể lại câu chuyện lịch sử bằng ngôn ngữ của trái tim. Chính nghệ thuật là cây cầu bền chắc nhất để lịch sử không bị lãng quên, để tình yêu quê hương không chỉ là khẩu hiệu mà trở thành điều chảy trong máu, trong tâm hồn từng người trẻ hôm nay”.


Sáng 30/4 tới đây, TP.HCM sẽ chính thức diễn ra Lễ diễu binh – diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một trong những sự kiện trọng đại và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Theo kế hoạch, sau đợt hợp luyện này, các lực lượng sẽ sơ duyệt ngày 25/4 và tổng duyệt ngày 27/4 trên đường Lê Duẩn.
Lễ diễu binh, diễu hành chính thức vào 6h30 sáng 30/4 với sự tham gia khoảng 13.000 người thuộc 48 khối diễu binh, diễu hành. Dự kiến đây sẽ là một trong những sự kiện trọng điểm, thu hút rất đông người dân tham dự.