Theo danh sách dự kiến tên gọi và trung tâm chính trị – hành chính của 34 tỉnh, thành phố mới sau khi sáp nhập theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị Trung ương 11, Hải Phòng và tỉnh Hải Dương sẽ “về chung một nhà”, lấy tên là TP Hải Phòng, trung tâm chính trị – hành chính đặt ở Hải Phòng.
Hải Phòng và Hải Dương đều là 2 địa phương có tiềm năng du lịch lớn, nhất là ẩm thực. Vì vậy, thông tin sáp nhập 2 địa danh này được nhiều người dân và du khách mong chờ, hào hứng truyền tai nhau những món đặc sản “nhất định phải thử”.
Cụ thể, sau sáp nhập, ngoài những món đặc sản “độc lạ”, mang đậm hương vị biển, địa phương mới là TP Hải Phòng sẽ có thêm loạt đặc sản “trời ban” như rươi, cua lông và cả món được “xuất ngoại” là vải thiều Thanh Hà.
Riêng rươi không chỉ là “quà quý” của địa phương được thiên nhiên ban tặng, mà còn là đặc sản được vận chuyển, bày bán ở nước ngoài. Cùng với bánh cuốn và bánh đậu xanh, rươi còn được vinh danh là “ẩm thực tiêu biểu của Việt Nam”.
Đặc sản “độc lạ” không phải ai cũng dám ăn
Giá bể xào là đặc sản Hải Phòng thơm ngon nhưng không phải ai cũng có thể thưởng thức, nhất là với người có cơ địa dễ dị ứng.
Món ăn này có độ sền sệt từ bột dong (hoặc bột mì/bột năng pha loãng), màu vàng đặc trưng của nghệ. Phần chân giá bể được tách rời, còn phần thân giữ nguyên vỏ.
Thịt chuột đồng cũng là đặc sản độc lạ, quen thuộc của người dân ở một số huyện của Hải Phòng như Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng.
Theo bà con địa phương, thịt chuột đồng có thể chế biến thành nhiều món nhưng phổ biến nhất là thịt chuột luộc vì dễ nấu và giữ nguyên được hương vị ban đầu.
Thịt chuột luộc chấm cùng nước mắm gừng, thêm ớt cay hoặc đơn giản hơn là chấm muối ớt chanh đều ngon.
![]() |
![]() |
Ở Hải Phòng, ruốc sông trông lạ nhưng là nguyên liệu chế biến thành nhiều món ăn như ruốc kho, ruốc rang… trong đó, ngon và phổ biến hơn vẫn là ruốc xốt cà chua (hoặc rim, nấu canh với cà chua), ăn kèm rau sống.
Ruốc sau khi rây, lọc, rửa sạch với nước nhiều lần thì vắt khô, đem phi thơm cùng hành khô, cà chua, sau đó nêm gia vị rồi thêm lá gừng (hoặc gừng), khế chua thái nhỏ, rau răm.
Đặc sản “trời ban”
Ở Hải Dương, rươi được xem là đặc sản “trời ban” vì chỉ có thể được khai thác từ tự nhiên và mỗi năm chỉ xuất hiện trong khoảng 1-2 tháng.
Xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ là nơi rươi có nhiều và được đánh giá là chất lượng nhất. Rươi của vùng đất này còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho người dân và lan tỏa đặc sản nổi tiếng của địa phương.
![]() |
![]() |
Cua lông (hay còn gọi là cà ra) cũng là đặc sản được nhiều người biết đến. Sở dĩ chúng có tên gọi như vậy là bởi ở đầu càng có một nhúm lông mềm, mịn như nhung.
Mùa cua lông kéo dài khoảng 3 tháng, từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch.
Loại cua này chỉ sống trong môi trường nước ngọt tự nhiên, trên các con sông. Một trong những vùng ở Hải Dương có nhiều cua lông nhất là ven đê sông Thái Bình, thuộc huyện Thanh Hà.
Đặc sản ‘xuất ngoại’

Ngoài đặc sản rươi được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hải Dương còn có vải thiều Thanh Hà ngon nức tiếng.
Loại quả này được trồng ở bờ sông nhiều phù sa màu mỡ, nên có sự khác biệt và ưu thế hơn về chất lượng mà các giống vải ở địa phương khác không có.
Không chỉ được ưa chuộng trong tỉnh, vận chuyển tới các tỉnh thành khắp cả nước, vải thiều Thanh Hà còn được xuất khẩu sang một số thị trường cao cấp như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Anh, các nước EU…
