Trong chuyến du lịch châu Âu dài 3 tháng vào mùa hè năm nay, anh Đặng Hoàng Bình và vợ – chị Vương Thu Huyền đã có chuyến trải nghiệm thú vị ở chợ Đồng Xuân tại Leipzig, Đức.
Ở châu Âu có nhiều khu chợ người Việt lớn như chợ Đồng Xuân ở Berlin, chợ Sapa ở Praha (Séc)… Chợ Đồng Xuân ở Leipzig có quy mô không kém những khu chợ kia là mấy, thậm chí còn đậm đà màu sắc Việt Nam hơn.
40 năm trước, nhiều người Việt sang Leipzig làm việc, sau đó có người về, người ở lại. Những người ở lại đã tạo nên một cộng đồng người Việt lớn mạnh ở đây.
Bước chân vào chợ, ấn tượng đầu tiên của vợ chồng anh Bình là rất nhiều người nói tiếng Việt và biển quảng cáo bằng tiếng Việt nhiều hơn tiếng Đức. Nhìn những bức ảnh, video anh quay lại, không ai nghĩ anh đang ở Đức.
“Tôi đảo mắt một vòng bên ngoài chợ, thấy toàn biển tiếng Việt là chính, như: Nội quy chợ, cắt tóc, gội đầu, làm móng, Hà Nội quán,…”, anh Bình cho biết.
Theo sơ đồ bố trí các sạp, chợ gồm 2 khu lớn. Mỗi khu có 70 sạp hàng, đa phần là người Việt Nam, chỉ có một phần rất nhỏ là người Ấn Độ kinh doanh ở đây.
Dạo quanh một vòng chợ, anh thấy có khá nhiều thứ bất ngờ và mới mẻ. “Chợ to, rộng, nhiều hàng nhưng vắng như chùa Bà Đanh, không thấy khách khứa gì mấy. Các chủ sạp vẫn luôn tay luôn chân dọn hàng chứ không thấy mấy người ngồi lướt điện thoại.
Có thể vì họ chuyển sang đặt hàng online rồi chăng nên tôi thấy họ cũng luôn tay luôn chân và có người ra vào chợ để xuất nhập hàng liên tục” – anh Bình kể.
Theo quan sát của anh, chợ Đồng Xuân ở Leipzig bán đủ mặt hàng nhưng chủ yếu là quần áo. Ngoài ra, chợ còn có khu bán đồ thực phẩm, khu nhà hàng và nhiều cửa hàng rất Việt Nam.
Các mặt hàng đều đa dạng và giá rẻ đến mức giật mình. “Quần áo đa số xuất phát từ Trung Quốc, có cả hàng hóa từ Việt Nam và Ấn Độ nhưng không nhiều. Các chủ cửa hàng đa phần là người Việt.
Số lượng chủ cửa hàng không phải là người Việt chiếm phần rất nhỏ. Đây là điều tôi thấy khác biệt nhất so với chợ châu Á ở các nước khác và so với chợ Đồng Xuân ở Berlin”.
“Có thể nguyên nhân là do cộng đồng người Việt ở Leipzig từ xưa đã rất mạnh. Từ những năm 1980-1990, họ đã kinh doanh ở gần ga và đến năm 2005 thì chuyển về chợ Đồng Xuân ở Leipzig cách ga chính hơn 1km.
Hơn nữa, chợ Đồng Xuân Berlin nằm ở Thủ đô nên sẽ có sự giao thoa nhiều hơn với các nền văn hóa khác. Các chủ cửa hàng cũng đến từ nhiều quốc gia khác nhau”.
Anh cho biết, các nhà hàng Việt ở chợ Đồng Xuân Leipzig có cách bài trí bàn ghế, trang trí khá đơn giản theo kiểu 30-40 năm trước, đồng thời chịu ảnh hưởng của phong cách người Hoa. Không như một số nhà hàng Việt ở Paris (Pháp) hiện nay đã bắt kịp phong cách trang trí theo hơi hướng hiện đại của Việt Nam.
“Về đồ ăn, tôi thấy khá giống với đồ ăn người Việt ở các nước khác của châu Âu như Pháp, Ba Lan… nhưng giá cả ở đây thì tốt hơn. Tôi có gọi một bát phở và một đĩa mì xào và có cảm giác như đang ăn ở một nhà hàng Việt ở Pháp gần 20 năm về trước”.
Có một điều thú vị khiến anh Bình phải bật cười trong chuyến trải nghiệm này, đó là phong cách bán hàng ở đây. “Nó giống hệt phong cách bán hàng ở chợ Đồng Xuân – Hà Nội.
Tôi hỏi chị bán hàng có bán miếng từ tính để dán tủ lạnh không. Chị vẫn tiếp tục ấn ấn cái máy tính, chắc đang tính tiền, khuôn mặt chị đanh lại, trả lời ‘không’ rất rõ ràng và dứt khoát.
Đó là câu duy nhất mà một người trong chợ giao tiếp với tôi. Cảm giác câu trả lời rất lạnh lùng, băng giá nhưng lại rất quen thuộc” – anh Bình hài hước chia sẻ.
“Dù sao thì khách du lịch cũng không phải là khách hàng tiềm năng ở chợ này. Khách hàng chính của chợ này là những tiểu thương người Việt ở nơi khác đến đây mua buôn với số lượng lớn”.
Cuối cùng, điều làm anh ngạc nhiên nhất là giá cả ở chợ quá rẻ. “Đừng nói là rẻ so với chợ khác ở Đức hay là rẻ so với thu nhập trung bình ở Đức, mà kể cả so với giá ở chợ Đồng Xuân – Hà Nội thì giá ở đây cũng vẫn là rẻ. Có rất nhiều mặt hàng giá siêu tốt, ví dụ những cái áo khoác dày cộm giá cũng chỉ 5 Euro/chiếc (chưa đến 150 nghìn đồng)”.
Buổi trưa, khi vào ăn một nhà hàng của người Việt, anh gặp 2 bàn người Việt đang “chém gió” – “đúng kiểu người Việt ngồi nói chuyện phiếm là phải có chén chè và điếu thuốc”.
Ông chủ quán rất thân thiện khi cho anh trèo lên ghế để hái nho. “Giàn nho được ông chủ trồng xung quanh nhà hàng để trang trí, chắn gió và ăn quả. Cảm giác trèo lên ghế hái nho dưới ánh mắt hiếu kỳ của khách Tây và nụ cười sảng khoái của ông chủ, được ăn những trái nho sạch được bón bằng phân chim cũng hết sức tuyệt vời”.
Anh Bình cho biết, anh từng đi nhiều chợ châu Á ở Pháp nhưng chợ Đồng Xuân ở Leipzig là một mô hình rất khác, rất Việt Nam, rất Đồng Xuân mà nếu có dịp, du khách nên một lần ghé qua.
Hành trình thay đổi cuộc đời cho 1.700 trẻ em đường phố, mồ côi của Việt kiều Úc
Tại một nhà hàng đông kín khách trên phố Văn Miếu, ít người biết rằng những nhân viên ở đây đều từng là những đứa trẻ lang thang đường phố, mồ côi không điểm tựa nhưng may mắn nhận được sự hỗ trợ từ doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam.
‘Nàng bán than’ với mối tình U50 và lời giục cưới gấp của bố chồng người Đức
Ngày ông Anton đưa bà Liên về ra mắt gia đình, bố chồng người Đức yêu cầu “phải sống thử trước khi kết hôn”. Về sau, chính bố chồng bà lại là người giục con trai “cưới gấp”, kẻo bà bỏ đi mất.
Cậu bé Việt 14 tuổi tìm việc giữa trời Âu, giờ là chủ 9 nhà hàng lớn ở Đức
Từ vùng quê nghèo (thôn Thượng Lộc, Nghi Vạn, Nghi Lộc, Nghệ An) Tuyền sang Đức khi mới 14 tuổi, trải qua những năm tháng bơ vơ, đói ăn nhưng dứt khoát tìm con đường ngay thẳng, chân chính để thay đổi cuộc đời mình.