HHT – Với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định “vẫn kiên định, kiên trì tham mưu UBND TP.HCM tiếp tục thi vào lớp 10 bằng tiếng Anh cho đến khi Bộ GD&ĐT cho phép thành phố tự quyết định”.
Chiều 9/12, trong khuôn khổ kỳ họp cuối năm, thông tin tại buổi thảo luận tổ, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng hiện nay nhiều đại biểu và người dân đang rất quan tâm đến kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT theo chương trình mới.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 đang rất bối rối. Theo dự thảo quy chế thi lớp 10 của Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến, có 3 môn thì có 2 môn Văn, Toán được xác định, môn còn lại là lựa chọn. “Chọn là bốc thăm hay hình thức gì Bộ vẫn chưa ban hành quyết định” – ông Hiếu nói. Tuy nhiên, dù hình thức nào thì định hướng của Bộ là nếu năm nay đã chọn môn này thì năm sau phải bỏ để tránh học lệch.
Với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục TP, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định “vẫn kiên định, kiên trì tham mưu UBND TP.HCM tiếp tục thi vào lớp 10 bằng tiếng Anh cho đến khi Bộ GD&ĐT cho phép TP tự quyết định”.
(Ảnh minh họa từ Internet) |
Những năm gần đây, TP.HCM tổ chức thi tuyển vào lớp 10 công lập với 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, trong các môn học, chỉ có tiếng Anh là Chính phủ hai lần có đề án vào các năm 2008 và 2018 với trọng tâm đây không chỉ là môn học mà còn là ngôn ngữ. Bộ Chính trị cũng có kết luận từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.
Vì vậy, nếu TP.HCM không có quyết định, quyết sách đúng thì việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường không được đầu tư. Ngoài ra, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho rằng khi học sinh học xong lớp 9, tức là đã có nền kiến thức cơ bản cho tất cả các môn; phụ huynh không cần quá lo lắng, đặt nặng học tất cả các môn để chờ quy chế thi chính thức, lựa chọn môn nào, áp lực cho học sinh.
Năm 2025 là năm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình GDPT mới tốt nghiệp THCS. Do đó, Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo quy chế tuyển sinh mới, lấy ý kiến từ đầu tháng 10. Ban đầu, Bộ dự kiến môn thứ 3 được bốc thăm ngẫu nhiên, được công bố trước ngày 31/3 hàng năm. Lãnh đạo Bộ nhiều lần khẳng định việc này để tránh việc học sinh học lệch. Trước phản ứng của dư luận, Bộ bỏ cách dùng từ này, song thay bằng yêu cầu “không cố định môn thi hàng năm”.
Hiện nay, học sinh ở bậc THCS học 10 môn bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.