Nhằm đổi mới cách tiếp cận hướng nghiệp cho học sinh, Học viện Giáo dục Tâm lý Song Yến PSY cùng trường Đại học Trà Vinh đã tiên phong áp dụng phương pháp “sân khấu hóa” để giúp học sinh hiểu sâu hơn về lựa chọn nghề nghiệp.
Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Chuyện trường – Chọn nghề” với chủ đề “Hành trình tìm ngọc” đã tổ chức tại hơn 50 trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn các tỉnh Tây Ninh, Kiên Giang, Cà Mau, thu hút gần 20.000 học sinh tham gia. Không chỉ mang lại kiến thức về chọn nghề, chương trình còn giúp học sinh hiểu rõ hơn về bản thân, nhận diện thế mạnh, sở thích và cơ hội nghề nghiệp phù hợp.
![]() |
Học sinh trường THPT Cây Dương (tỉnh Kiên Giang) tham gia kịch ứng tác. |
Khi học sinh THPT được “sống” trong lựa chọn nghề nghiệp
Trong thời đại hiện nay, định hướng nghề nghiệp không còn đơn thuần là những buổi tư vấn lý thuyết, nơi học sinh chỉ ngồi nghe và ghi chép. Thay vào đó, trường Đại học Trà Vinh đã tiên phong “sân khấu hóa” hoạt động hướng nghiệp, giúp học sinh THPT không chỉ tiếp cận thông tin mà còn nhập vai, tranh luận và tự mình trải nghiệm quá trình ra quyết định nghề nghiệp.
Khác với các chương trình hướng nghiệp truyền thống, nơi học sinh chỉ tiếp nhận thông tin một chiều, phương pháp “sân khấu hóa” của trường Đại học Trà Vinh mang đến trải nghiệm chủ động và thực tế hơn. Điểm nhấn đặc biệt của chương trình chính là vở kịch ứng tác “Giờ phải làm sao?” – nơi học sinh không chỉ đóng vai trò người quan sát mà còn được nhập vai vào những tình huống thực tế, tranh luận về các tiêu chí chọn nghề như đam mê, năng lực, xu hướng xã hội và thu nhập.
![]() |
Học sinh Trường THPT U Minh (tỉnh Cà Mau) tham gia tương tác. |
Theo cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền – Giáo viên chủ nhiệm tại Trung tâm GDNN-GDTX Tân Châu – tỉnh Tây Ninh chia sẻ: “Học sinh rất hào hứng và phấn khởi khi tham gia chương trình. Tôi mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa những không gian như thế này để giúp các em chọn trường đại học được tốt hơn”.
Thông qua phương pháp này, học sinh không chỉ hiểu rõ hơn về các yếu tố quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp mà còn được rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng ra quyết định và sự tự tin trong việc bày tỏ quan điểm. Đây chính là bước đột phá trong tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh không còn bị động trước những lựa chọn quan trọng của cuộc đời mình.
Mô hình hướng nghiệp sáng tạo – giải pháp cho chương trình giáo dục phổ thông mới
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng nghiệp không còn là một hoạt động phụ mà đã trở thành một nội dung quan trọng tích hợp vào các môn học và hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn loay hoay với phương pháp triển khai, chủ yếu dựa vào các buổi tọa đàm, tư vấn truyền thống. Chính vì thế, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý ở các trường đã tỏ ra phấn khởi khi Học viện Giáo dục Tâm lý Song yến PSY cùng trường Đại học Trà Vinh đề xuất phối hợp thực hiện chương trình.
Việc đưa sân khấu hóa hướng nghiệp vào trường học sẽ giúp hoạt động hướng nghiệp trở nên sinh động hơn. Thay vì chỉ nghe chuyên gia nói, học sinh có thể nhập vai, tranh luận, đối thoại trực tiếp để hiểu rõ hơn về bản chất của từng ngành nghề. Đây là một cách tiếp cận phù hợp với tâm lý lứa tuổi, giúp các em dễ tiếp thu và ghi nhớ lâu hơn.
![]() |
Chuyên gia ThS Nguyễn Anh Khoa chia sẻ cùng học sinh THPT Nguyễn Trãi tỉnh Tây Ninh. |
“Thông qua vở kịch ứng tác sẽ phần nào giúp các bạn học sinh được trải nghiệm việc đưa ra quyết định chọn nghề. Đây là chương trình nên được tổ chức hàng tháng thay vì như thế số lượng học sinh được trải nghiệm cũng sẽ tăng lên mà từ đó việc lựa chọn ngành, chọn trường cũng trở nên dễ dàng hơn”, ThS Nguyễn Anh Khoa, chuyên gia tâm lý, báo cáo viên của chương trình chia sẻ.
Để nhân rộng mô hình này, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các bên: Nhà trường cần chủ động đưa mô hình vào hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, tổ chức định kỳ để học sinh có cơ hội tham gia. Doanh nghiệp, chuyên gia cần hỗ trợ về nội dung chuyên môn, xây dựng kịch bản mô phỏng thực tế, giúp học sinh có cái nhìn chân thực hơn về từng ngành nghề. Cơ quan quản lý giáo dục cần xây dựng chính sách khuyến khích các trường triển khai mô hình này, hỗ trợ tài chính hoặc tạo điều kiện tổ chức các hoạt động hướng nghiệp đổi mới.
Mô hình sân khấu hóa hướng nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả trong việc định hướng nghề nghiệp mà còn giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tư duy, làm việc nhóm và ra quyết định. Do đó, cần mở rộng quy mô, đưa phương pháp này thành một hoạt động trải nghiệm thường xuyên trong các trường THPT để giúp nhiều học sinh hơn được tiếp cận với hướng nghiệp một cách chủ động và hiệu quả. Mong rằng, sẽ có nhiều hơn nữa các Trường Đại học, Cao Đẳng sẽ có thêm nhiều phương pháp tiếp cận, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh như cách mà Trường Đại học Trà Vinh đã và sẽ tiếp tục triển khai.
Nếu được nhân rộng, mô hình này không chỉ giúp học sinh có lựa chọn nghề nghiệp sáng suốt hơn mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai, đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội.