Anh Ngô Tuấn Anh, 40 tuổi là thế hệ thứ ba tiếp quản việc kinh doanh của gia đình. Anh cho biết, món xôi xíu là do ông ngoại anh nấu và bán đầu tiên. Ông bán được khoảng 20 – 30 năm thì truyền nghề cho con gái là mẹ anh.
Bà Nguyễn Thị Hà, năm nay 71 tuổi, đã bán xôi xíu gần 40 năm. Hàng ngày bà vẫn ra bán hàng nhưng tuổi đã cao nên việc nấu nướng gần như do anh Tuấn Anh đảm nhiệm.
“Tôi phụ mẹ bán xôi từ năm 14 – 15 tuổi. Trừ vài năm vào Sài Gòn có việc, còn lại tôi bán xôi xíu cùng mẹ nhiều năm nay”, anh cho hay.
Người dân Nam Định quen gọi là hàng xôi xíu nhưng các món ăn kèm của quán khá đa dạng, gồm có: Pate, thịt xá xíu, ruốc, xúc xích, lạp xưởng,… ăn cùng xôi trắng.
Hai yếu tố có thể đánh giá là xuất sắc của món xôi xíu gia truyền là xôi và nước xốt. Anh Tuấn Anh cho biết, xôi được nấu bằng gạo nếp Hải Hậu nhưng phải nấu 2 lửa. Khâu chọn gạo và ngâm gạo cũng phải làm cẩn thận để có nồi xôi ngon.
Đồ xôi xong, xôi vẫn được đặt trên nồi hấp suốt cả ngày. Công đoạn này giúp xôi luôn mềm, dẻo, rất phù hợp để ăn với các loại “topping” (đồ ăn kèm) mặn.
Nước xốt là thứ đặc biệt hơn cả, làm mê mẩn thực khách đã ăn xôi xíu bao năm nay. Thứ nước xốt sền sệt bắt mắt được anh Tuấn Anh tiết lộ là làm từ nước hầm xương hom và một số loại gia vị.
“Hầu như ai cũng thích nước xốt của món này. Nhiều khách mua về luôn dặn rưới nhiều nước xốt. Xíu thì nhiều người có thể làm được nhưng nước xốt thì chúng tôi tự tin là đặc sắc và duy nhất”.
Anh Tuấn Anh cho biết, quầy xôi tuy nhỏ nhưng để vận hành trôi chảy cần tới 7 người, trong đó 4 người thay nhau bán hàng, 3 người nấu nướng ở nhà.
Mỗi ngày, anh nấu khoảng 50 – 60kg gạo và gần 1 tạ thịt lợn vai. Mỗi suất xôi xíu thập cẩm được bán với giá 20.000 đồng, đầy ắp đồ ăn kèm. Ai ăn nhiều có thể gọi suất 30 – 40.000 đồng.
Quán bán cả ngày nhưng sáng và tối vẫn đông khách nhất. Những ngày cuối tuần, khách xếp hàng dài đợi đồ ăn, có khi phải chờ nửa tiếng mới đến lượt.
Tuy nhiên, chủ quán cho biết, lượng khách bây giờ đã ít hơn ngày xưa rất nhiều. “Vì bây giờ hàng quán, đồ ăn nhiều, khách có nhiều lựa chọn hơn”.
Ngoài món xôi xíu, quán còn có cả chè và bánh bao, đều do nhà tự làm. Mỗi ngày, quán bán được cả trăm chiếc bánh bao. Chè được nấu giản dị theo kiểu truyền thống, gồm đỗ đen, đỗ xanh, hạt sen, dừa tươi,…
Tất cả các món đến bây giờ đều vẫn được làm theo công thức từ đời ông ngoại anh, không có gì thay đổi. Thứ thay đổi duy nhất là bây giờ có một ít bánh mì, bánh ngọt anh lấy về bán thêm.
“Thời ông ngoại tôi, xôi được nấu trên bếp than tổ ong. Nhắc đến xôi xíu ông Hồng thì quanh TP Nam Định này ai cũng biết. Ngày ấy, ông còn làm cả thịt bò khô để làm món nộm bò khô”.
Anh Tuấn Anh cho biết, anh dự định gắn bó với nghề gia truyền mà ông và mẹ để lại. Anh cũng dự tính sẽ mang xôi xíu Nam Định lên Hà Nội để phát triển thương hiệu gia đình.
Anh chia sẻ, đã có thời gian anh lên Hà Nội bán xôi xíu. Chỉ mới được 1 tháng mà lượng khách rất tốt nhưng vì một số vấn đề về mặt bằng mà anh phải trả quán để về Nam Định. Anh dự tính, trong thời gian tới sẽ lại tiếp tục kế hoạch kinh doanh này.
Khách Tây bất ngờ với màn gói xôi ‘thần tốc’ của chủ quán Hà Nội
Đến tiệm xôi trên phố cổ Hà Nội lúc sáng sớm, khách Tây bất ngờ vì lượng khách đứng kín một góc vỉa hè. Ở giữa đám đông, chủ quán thoăn thoắt gói xôi, phục vụ liền một lúc vài ba suất.
Người phụ nữ Việt mang ẩm thực quê hương tới ‘đảo ngọc’ xa xôi ở Đông Phi
Là người Việt duy nhất sinh sống trên đảo Zanzibar (Tanzania), nơi được mệnh danh là “viên ngọc của Đông Phi”, chị Nguyễn Thị Kim Anh mong muốn giới thiệu ẩm thực quê hương tới đông đảo người dân.
Quán xôi sắn mỗi năm chỉ bán vài tháng, khách may mắn mới mua được ở Hải Phòng
Mở hàng lúc 9h và chỉ bán từ tháng 7 đến hết tháng 2 âm lịch, quán xôi sắn của chị Thủy được thực khách gọi vui là “phải có căn mới mua được” ở Hải Phòng. Mỗi ngày, chị bán vài giờ đã hết hàng, sử dụng khoảng 1 tạ nguyên liệu (gồm sắn và gạo nếp).