Quán cơm chỉ dùng chảo để nấu ăn. Video: Hà Nguyễn
“Cơm chảo”
Nằm trên mặt đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh, TPHCM), quán cơm bình dân của anh Nguyễn Văn Toàn (SN 1975) thu hút nhiều thực khách bởi có nhiều điều đặc biệt.
Không chỉ phục vụ nhiều món ăn, quán cơm còn có cách chế biến thức ăn độc đáo, hiếm gặp. Các đầu bếp tại đây chỉ sử dụng chảo để nấu các món.
Tại quán cơm, anh Toàn trực tiếp đứng bếp nấu ăn. Ngoài 2 chiếc nồi lớn để nấu cơm, anh Toàn và các nhân viên của mình sử dụng 8 chiếc chảo có kích thước tương đồng nhau để chế biến gần 50 món ăn.
Bất kể là món kho, chiên, xào hay luộc…, anh Toàn đều chế biến trên 8 chiếc chảo này. Khi thức ăn chín, anh và nhân viên múc sang những chiếc chảo nhỏ hơn bày sẵn trên bàn.
Cách nấu ăn “không đụng hàng” này được anh Toàn nghĩ ra từ hơn chục năm trước.
Trước đó, anh Toàn là nhân viên bảo vệ tại một nhà sách. Sau này, anh nhận thấy công việc bảo vệ vất vả lại không có thu nhập tốt nên xin nghỉ để tìm công việc mới.
Nhận thấy mình có khiếu nấu ăn, anh mạnh dạn dùng tiền tích góp, thuê mặt bằng mở tiệm cơm tấm nho nhỏ.
Không ngờ, các món ăn do anh chế biến được thực khách đánh giá ngon, hợp khẩu vị. Sau đó, anh tự mày mò, sáng tạo thêm nhiều món dân dã, gần gũi với bữa cơm gia đình người Việt.
Anh Toàn chia sẻ: “Tôi chưa từng học nấu ăn và cũng không nấu theo công thức của bất kỳ người nào. Tôi nấu các món ăn gần gũi với bữa cơm gia đình theo suy nghĩ, kinh nghiệm của bản thân.
Tôi là người miền Tây. Ở quê, tôi thấy đa số người dân nấu, ăn thức ăn trong chảo, xoong. Ăn như vậy vừa đơn sơ vừa giúp thức ăn giữ được độ nóng nên rất ngon.
Khi mở quán, tôi quyết định nấu tất cả các món bằng chảo. Nấu xong, tôi múc thức ăn ra chảo nhỏ hơn.
Khi khách gọi món, tôi đặt chảo nhỏ lên bếp hâm lại cho nóng để người ăn có cảm giác đang thưởng thức các món ăn trong bữa cơm gia đình”.
Giá bình dân nhưng đảm bảo đủ no
Anh Toàn cho biết, việc chế biến thức ăn bằng chảo không làm ảnh hưởng đến chất lượng món ăn. Ngược lại, nấu bằng chảo giúp anh dễ nêm nếm, đảo thức ăn.
Việc bày thức ăn đã chế biến vào chảo nhỏ cũng giúp món ăn giữ nhiệt được lâu hơn.
Trước khi chế biến món ăn, anh Toàn vệ sinh chảo sạch sẽ. Khi chuyển sang nấu món mới, anh rửa sạch lòng chảo để đảm bảo món này không bị ảnh hưởng bởi hương vị của món ăn trước đó.
Với tiêu chí nấu những món ăn có trong thực đơn của bữa cơm gia đình, quán cơm chảo của anh Toàn phục vụ các món như: Thịt kho trứng, gà kho, vịt kho gừng, cá chiên, cá kho, thịt bò xào,…
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, anh Toàn trực tiếp đi chợ, chọn mua nguyên liệu tươi. Quá trình sơ chế cũng được anh và nhân viên thực hiện kỹ lưỡng.
Trước đại dịch, quán cơm của anh đặc biệt đông khách. Mỗi ngày, anh chế biến gần 50 món ăn khác nhau mới đủ phục vụ thực khách. Sau dịch, số lượng khách giảm từ 20-30% nên anh chỉ nấu khoảng 30 món.
Quán cơm của anh Toàn mở bán từ 6h sáng đến 22h. Ngoài lượng khách đến ăn trực tiếp, quán còn phục vụ khách mua về.
Khoảng thời gian từ 11h30 đến 12h trưa và 17h mỗi ngày, quán đặc biệt đông khách. Mỗi phần cơm tại đây đều có giá 35.000 đồng.
Có giá bình dân nhưng thức ăn ngon, đầy đủ nên quán ăn của anh Toàn được nhiều người lựa chọn.
“So với mặt bằng chung, phần cơm tại đây có giá rất bình dân nhưng vẫn đảm bảo ăn no. Cơm, thức ăn không chỉ luôn nóng mà quán còn phục vụ rau sống miễn phí nên tôi rất thích”, một khách quen của quán cho biết.
Quán ăn ở TPHCM có tên ‘bốc mùi’, giá cả ‘hết hồn’ nhưng khách đông nườm nượp
Bên cạnh “ốc cổ mộ”, “xôi nhà xác”, “lẩu bò nghĩa địa”, “cơm tấm bãi rác” cũng là một quán ăn thu hút sự chú ý của nhiều thực khách tại TPHCM.
Quán ăn có tên ‘ớn lạnh’, khách thích mê, xếp hàng chờ thưởng thức ở TPHCM
Ở TPHCM có nhiều quán ăn uống nổi tiếng gần xa bởi những cái tên “ớn lạnh”, gây tò mò như ốc cổ mộ, lẩu bò nghĩa địa hay xôi nhà xác.
Khách Tây mách quán cơm bình dân 40 năm tuổi, thực đơn hơn 30 món ngon ở TP.HCM
Quán cơm bình dân nằm trên đường Võ Văn Tần, quận 3 là địa chỉ ăn uống quen thuộc của vị khách Tây này suốt vài năm nay. Quán phục vụ hơn 30 món trong thực đơn, trong đó món anh đặc biệt yêu thích là mắm kho và cá hú.