HHT – Lợi dụng môn thể thao bóng rổ được sự quan tâm của nhiều gia đình cho con đăng ký học tập để rèn luyện sức khỏe và kỹ năng, một số đối tượng đã lập các trang Facebook giả mạo “Liên đoàn bóng rổ Việt Nam VBF”.
Theo Công an TP Hà Nội, thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện các tài khoản giả mạo “Liên đoàn bóng rổ Việt Nam VBF” thông báo tuyển sinh các lớp bóng rổ nhằm lôi kéo người đăng ký tham gia rồi chiếm đoạt tài sản.
Tài khoản giả mạo “Liên đoàn bóng rổ Việt Nam VBF”. |
Khi có phụ huynh đăng ký tham gia khóa học, các đối tượng yêu cầu tải ứng dụng Telegram để được các “chuyên viên” hướng dẫn tham gia làm một số nhiệm vụ xác nhận đồ dùng thể thao và giảm học phí.
Sau một số nhiệm vụ có giá trị thấp, các đối tượng yêu cầu người đăng ký thực hiện các nhiệm vụ có giá trị cao. Lúc này, đối tượng lừa đảo lấy nhiều lý do bị hại thực hiện sai cú pháp, các đối tượng yêu cầu bị hại thực hiện lại nhiều lần hoặc chuyển thêm tiền vào để được rút hết số tiền đã chuyển.
Đến khi số tiền đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, các đối tượng sẽ ngắt kết nối, xóa nhóm chat ở ứng dụng Telegram.
Mới đây, vào ngày 5/1/2025, chị D. (sinh năm 1994 trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) có đăng ký cho con học bóng rổ qua trang Facebook “Liên đoàn bóng rổ Việt Nam VBF”. Sau đó chị được hướng dẫn tải ứng dụng Telegram để làm nhiệm vụ và bị các đối tượng chiếm đoạt 1,1 tỷ đồng. Phát hiện mình bị lừa, chị D. đã đến Công an phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy trình báo.
(Ảnh minh họa từ Internet) |
Trước đó vào tháng 6/2024. chị L.T.N ở TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) do có nhu cầu muốn cho con mình tham gia trải nghiệm, giao lưu, học tập trong dịp Hè, nên chị N. đã lên mạng xã hội tìm hiểu về các kỳ học quân đội. Ngày 28/5/2024, khi thấy mạng xã hội đề xuất trang “Kỳ Học Quân Đội Chính Quy”, chị đã chủ động liên hệ, đăng ký cho con của mình tham gia.
Sau khi liên hệ, chị được một đối tượng giới thiệu tải và tham gia hội nhóm trên ứng dụng Telegram. Tiếp đó, các đối tượng “dụ dỗ” chị thực hiện một số nhiệm vụ để hưởng hoa hồng, cũng như giúp “nhà tài trợ” chương trình tăng tương tác. Ban đầu thực hiện một số nhiệm vụ, chị L.T.N được hoàn trả tiền gốc và tiền hoa hồng theo lời “dụ dỗ”. Khi thực hiện nhiệm vụ lần thứ 6, các đối tượng nêu ra những lý do như thực hiện sai thao tác; thông tin chưa đầy đủ; sai câu lệnh và yêu cầu chị tiếp tục nạp tiền để hoàn trả tiền. Khi chuyển khoản đến lần thứ 15 và không nhận lại được tiền, lúc đó chị mới biết mình đã bị lừa, mất hơn 1,6 tỷ đồng.
Để phòng tránh lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân nâng cao cảnh giác khi đăng ký tham gia các lớp học bóng rổ cũng như các môn thể thao hay những khóa học khác được quảng cáo trên mạng xã hội. Nếu có như cầu đăng ký khóa học thì các gia đình nên đến trực tiếp các trung tâm, cơ sở dạy để tìm hiểu về bộ môn để đăng ký cho con mình tham gia. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an để kịp thời giải quyết theo quy định.