Mỗi dịp đại lễ 30/4 – 1/5, những tác phẩm điện ảnh về chiến tranh, lịch sử dân tộc lại được khơi gợi trong lòng công chúng như một lời tri ân và tưởng nhớ. Trong dòng chảy phim Việt suốt nhiều thập kỷ, có một bộ phim dù đã gần hai thập niên trôi qua nhưng vẫn giữ nguyên sức ám ảnh và sự day dứt – đó là Áo Lụa Hà Đông. Phim không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật về chiến tranh mà còn là bản trường ca bi thương về thân phận con người, tình mẫu tử và phẩm giá giữa bối cảnh xã hội đầy biến động.

Một hiện tượng điện ảnh kinh điển
Khi ra mắt năm 2006, Áo Lụa Hà Đông nhanh chóng trở thành hiện tượng của điện ảnh Việt Nam. Thời điểm đó, phim được xem là một trong những tác phẩm hiếm hoi đạt tầm quốc tế cả về nội dung lẫn hình ảnh. Đạo diễn Lưu Huỳnh đã mạnh tay đầu tư kinh phí sản xuất khủng nhất trong lịch sử điện ảnh Việt thời điểm bấy giờ. Từng khung hình, từng góc quay đều được trau chuốt cẩn thận, thể hiện tâm huyết và sự chỉn chu trong từng chi tiết.
Không phụ kỳ vọng, phim đã giành nhiều giải thưởng lớn, trong đó đáng chú ý là giải thưởng Bình chọn của khán giả tại LHP Quốc Tế Busan. Thậm chí, Áo Lụa Hà Đông còn được chọn là đại diện của Việt Nam tranh giải Oscar cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất, đánh dấu bước tiến quan trọng cho nền điện ảnh nước nhà trên bản đồ thế giới.

Sự thành công của Áo Lụa Hà Đông không chỉ nằm ở câu chuyện cảm động mà còn ở cách bộ phim truyền tải thông điệp bằng hình ảnh, màu sắc, âm thanh – một bản giao hưởng buồn đầy chất thơ nhưng cũng sắc lẹm như một nhát dao vào tâm hồn người xem.
Nội dung gây ám ảnh: Khóc đến cạn nước mắt vì nỗi đau của một người mẹ
Áo Lụa Hà Đông lấy bối cảnh trước năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc Việt Nam đang đến hồi kết. Dần (Trương Ngọc Ánh) và Gù (NSƯT Quốc Khánh) – hai người hầu trong một gia đình địa chủ – buộc phải trốn chạy vào Nam sau khi địa chủ bị giết. Tài sản quý giá duy nhất họ mang theo là chiếc áo dài bằng lụa Hà Đông – món quà cưới mà Gù tặng Dần, cũng là kỷ vật gắn với tuổi thơ cơ cực của anh.
Trên đường chạy loạn, họ dừng chân tại Hội An – nơi Dần sinh đứa con đầu lòng và đặt tên con theo mảnh đất này. Cuộc sống nghèo khó, lụt lội bao trùm, nhưng tình yêu và hy vọng vẫn được nuôi dưỡng trong căn nhà dột nát bằng những điều giản dị, như việc Gù trồng quả cau – kỷ vật gắn với lời hẹn ước thành vợ chồng.

Gia đình họ dần đông con, nhưng cái nghèo luôn bủa vây. Dần phải làm vú nuôi để có tiền may áo dài cho con đi học, nhưng bi kịch xảy ra khi cô bị ép cho một ông già người Hoa uống sữa của chính mình và chồng cô thì không thể chấp nhận được việc này. Giữa lúc chưa hết khốn khổ vì cái nghèo thì bi kịch lại ập tới: trường học bị đánh bom, An chết trong tiếng nổ oan nghiệt còn Dần cũng ra đi trong một cơn lũ khi đi cào hến kiếm tiền may áo đứa con còn lại. Gù sau đó cũng mất trong chiến tranh khi cố cứu lấy chiếc áo lụa – vật lưu giữ tình yêu và hy vọng của gia đình. Phim kết thúc trong thời khắc đất nước thống nhất nhưng những người từng hỏi “hòa bình có đẹp không?” thì mãi mãi không còn cơ hội để chứng kiến.
Trên các diễn đàn điện ảnh và mạng xã hội, vẫn còn rất nhiều khán giả để lại bình luận sau khi xem lại phim: “Tâm lý yếu đừng xem, phim đau quá, khóc không thở nổi”, “Xem xong không dám nhìn con mình luôn, ám ảnh tới giờ”, “Coi lại dịp lễ mà khóc hết cả hộp khăn giấy, chưa phim Việt nào khiến mình day dứt như vậy”,.. Có thể nói, Áo Lụa Hà Đông đã chạm đến tầng sâu nhất trong cảm xúc của người xem. Không cần kịch tính hóa, không cần cao trào kêu gào, chỉ cần ánh mắt, cử chỉ, hay một chiếc áo dài cũ kỹ cũng đủ làm người ta bật khóc.

Dàn diễn viên thuyết phục tuyệt đối
Một yếu tố không thể không nhắc đến trong thành công của Áo Lụa Hà Đông chính là dàn diễn viên – những gương mặt tài năng thực sự sống cùng nhân vật. “Ngọc Hoàng” Quốc Khánh trong vai người chồng nghèo, khắc khổ nhưng đầy tình yêu thương, thể hiện sự điềm đạm, nhẫn nhịn và bất lực trước số phận.
Nhưng có lẽ, người khiến khán giả nhớ nhất chính là Trương Ngọc Ánh – người thủ vai Dần. Đây được xem là một trong những vai diễn để đời của cô. Trương Ngọc Ánh mang đến một hình ảnh người phụ nữ Việt vừa dịu dàng, chịu thương chịu khó, vừa mạnh mẽ và kiên cường trong nghịch cảnh. Hiện xem lại phim, nhiều khán giả cho rằng Trương Ngọc Ánh quá đẹp, quá sang để đảm nhận vai một người mẹ quê lam lũ. Nhưng bù lại, diễn xuất của cô lại hoàn hảo tuyệt đối, bù bắp cả những vấn đề về ngoại hình. Với diễn xuất nội tâm tinh tế, ánh mắt đau đáu và từng cử chỉ giản dị, Trương Ngọc Ánh đã thực sự trở thành Dần. Có lẽ chính vẻ đẹp khó chấp nhận đó, khi đặt trong bối cảnh cùng bi kịch, lại càng khiến hình ảnh người phụ nữ thêm phần xót xa. Vẻ đẹp đối lập với hoàn cảnh khiến người xem ám ảnh hơn, đau lòng hơn, như một bông hoa nở sai thời điểm.

Nguồn ảnh: Tổng hợp