Autobahn là từ chỉ hệ thống cao tốc trên toàn nước Đức với chiều dài gần 13.000km. Nó được đánh giá là hiện đại nhất thế giới bên cạnh các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ, Canada. Chi phí bảo trì tuyến đường được lấy từ nguồn đánh thuế xăng dầu, các loại thuế khác mà phương tiện tham gia giao thông đã đóng.
Hệ thống đường cao tốc liên bang này xuất hiện tại Đức vào năm 1932, kết nối Cologne và Bonn, bắt đầu từ ý tưởng kết nối các thành phố lớn sau Thế chiến 1.
Mỗi chặng cao tốc được thiết kế với một ưu việt khác nhau. Có khoảng 1/4 tổng chiều dài Autobahn là không giới hạn tốc độ, còn lại sẽ quy định theo từng làn. Theo đó, ở làn ngoài cùng, ô tô được lưu thông với tốc độ 120 km/h, làn trong cùng là 80 km/h.
Hệ thống rào chắn phân chia đường giúp ngăn chặn các vụ va chạm trực diện. Luật giao thông Đức cho phép tài xế bấm còi hoặc bật tín hiệu đèn nhấp nháy để xin vượt hoặc báo hiệu hạn chế tốc độ nhưng không được lạm dụng.
Tốc độ khuyến cáo an toàn dao động từ 65 – 160 km/h. Giới hạn chỉ được gỡ bỏ khi tuyến đường không có những điểm hợp nhất, phân nhánh hoặc những đoạn thường có mật độ lưu thông cao.
Trên Autobahn có nhiều biển báo kích thước lớn đặt ở dải phân cách và bên đường, thông báo tốc độ tối thiểu, khuyến cáo tốc độ tối đa và những chỉ dẫn khác.
Mặt đường Autobahn sử dụng bê tông không đông đặc giúp ngăn ngừa nứt gãy, cho phép bề mặt dẻo hơn và ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Loại bê tông này có chi phí khá đắt, bù lại chi phí bảo trì đường cao tốc sẽ thấp hơn.
Luật giao thông ở nước này quy định riêng lẻ cho từng khung giờ và từng loại xe. Có thể kể đến như quy định cấm vượt và hết khu vực cấm vượt đối với xe khách, xe tải và xe rơ-moóc.
Và cấm các loại xe trên vượt nhau trong khung giờ từ 6 – 21h.
Tốc độ giới hạn cũng được quy định trong khung giờ ban đêm hay phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, mặt đường và nhiều yếu tố khác.
Theo thống kê, Autobahn an toàn hơn bất kỳ hệ thống đường cao tốc nào khác trên thế giới, khi trong số 30% phương tiện sử dụng cao tốc thì có không tới 10% số vụ tai nạn giao thông xảy ra.
Hình ảnh tại một trạm dừng nghỉ tại khu vực Metzingen – thành phố có số dân khoảng 22.000 người, thuộc bang Baden-Württemberg.