Lai Châu sở hữu nhiều điểm đến hấp dẫn
Phát biểu tại Lễ khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch Lai Châu tại TP. Đà Nẵng năm 2024 diễn ra tối 22/11, ông Tống Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, Lai Châu có “đặc sản núi 3 nhất”: Một là 6/10 ngọn núi cao hùng vĩ nhất đất nước. Hai là những dãy núi nhấp nhô trải liền đẹp nhất. Và ba là những dãy núi cao khắc nghiệt nhất.
Một số địa phương của tỉnh sở hữu nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn như: cao nguyên Sìn Hồ, Dào San; hệ thống các mỏ nước khoáng nóng; vùng dược liệu chữa bệnh; các hồ thủy điện lớn (Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát…).
Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, Lai Châu còn thu hút du khách bởi sự hồn hậu, chất phác, hiếu khách của cộng đồng dân tộc có ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Du khách đến với Lai Châu được khám phá nét văn hóa phong phú, đa dạng và riêng có của các dân tộc tại địa phương, từ việc hoà mình vào những lễ hội truyền thống, ngắm nhìn những bộ trang phục rực rỡ sắc màu với đường chỉ thêu khéo léo, tới những trải nghiệm khó quên khi thưởng thức những món ăn truyền thống mang đậm hương vị của núi rừng Tây Bắc.
Thời gian qua, Lai Châu đã đầu tư, đưa vào khai thác một số sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu phân khúc thị trường cao cấp. Có thể kể tới: Khu du lịch cầu kính Rồng Mây; khu du lịch cổng trời Ô Quý Hồ; Pusamcap – khu hang động được mệnh danh “Tây Bắc đệ nhất động”; điểm du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay trên nóc nhà Đông Dương” gắn với trải nghiệm văn hoá dân tộc Dao tại bản Sì Thâu Chải; bản du lịch cộng đồng ASEAN – Sin Suối Hồ…
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch
Tại Lễ khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch Lai Châu tại TP. Đà Nẵng năm 2024 lần này, du khách cũng có cơ hội trải nghiệm những hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lai Châu như: Trình diễn văn hoá xoè chiêng, múa xoè, múa sạp, hát then – đàn tính; Kỹ thuật tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong; Múa Khèn, làm khèn dân tộc Mông; Nghề dệt truyền thống dân tộc Lự; Tạo hình trang phục của dân tộc Hà Nhì…
“Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch được xác định là một chương trình trọng điểm của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025, hướng mục tiêu đón trên 2 triệu lượt khách vào năm 2030”, Phó Chủ tịch Tống Thanh Hải nhấn mạnh.
Được biết, thời gian qua, tỉnh Lai Châu rất quan tâm đầu tư, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đến nay, đã có 13/13 dân tộc (Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, Khơ Mú, Mảng, Cống, Si La, Giáy, Lào, Lự, Kháng, La Hủ) cư trú thành cộng đồng được bảo tồn văn hóa truyền thống.
Các cơ quan, địa phương đã sưu tầm, xây dựng 30 bộ sưu tập hiện vật (3 bộ sưu tập/dân tộc) với 3.221 hiện vật các loại, phục vụ công tác trưng bày chuyên đề gắn với phát triển du lịch của 10 dân tộc cư trú thành cộng đồng (Cống, La Hủ, Hà Nhì, Si La, Lào, Lự, Giáy, Kháng, Mông, Khơ Mú). Các hiện vật được sưu tầm chủ yếu gồm: trang phục, trang sức; công cụ và sản phẩm nghề thủ công truyền thống; công cụ, dụng cụ thực hành phong tục và tín ngưỡng tốt đẹp, trò chơi dân gian của các dân tộc.
Đặc biệt, tỉnh Lai Châu đã tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ để nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ mai một; nghiên cứu, giới thiệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh.
Hiện đã xây dựng xong hồ sơ khoa học tri thức dân gian, ẩm thực dân tộc Thái xã Mường So (huyện Phong Thổ) và Trường ca “Xa Nhà ca” của dân tộc Hà Nhì (huyện Mường Tè), đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Những nỗ lực nêu trên vừa góp phần lưu giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc vừa góp phần thu hút khách du lịch đến với tỉnh Lai Châu.
Bình Minh