“Tôi đã tới Trung Quốc tổng cộng 30 lần và luôn có cảm giác thích thú, bất ngờ trước cảnh quan thiên nhiên, kỳ quan cổ đại cho tới những công trình kiến trúc, sản phẩm khoa học hiện đại tại quốc gia này.
Riêng năm 2024, tôi chi khoảng 300 triệu đồng để mỗi tháng tới Trung Quốc một lần, khám phá các tỉnh, thành vào thời điểm đẹp nhất năm”, anh Trường cho hay.
Hành trình ấn tượng nhất tại Trung Quốc của anh Trường trong năm 2024 là tour Trịnh Châu – Khai Phong Phủ – Lạc Dương – Thiếu Lâm Tự – Tây An kéo dài 7 ngày, chi phí khoảng 25 triệu đồng.
“Hơn 5 năm kể từ đại dịch Covid-19, tour du lịch này mới được tổ chức trở lại. Lịch khởi hành thậm chí phải dời 2 lần vì không đủ khách.
Tuy nhiên, tôi rất háo hức vì các địa danh trong tour gắn liền với những bộ phim Trung Quốc kinh điển, làm say đắm bao thế hệ như Bao Thanh Thiên, Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên, Thiếu Lâm Tự truyền kỳ…”, anh Trường cho biết.
Điểm đến anh Trường ấn tượng nhất trong tour là Khai Phong phủ (Hà Nam, Trung Quốc) – một công trình văn hóa, lịch sử nổi tiếng, nơi gắn liền với các vụ xử án công bằng liêm chính của Bao Thanh Thiên (Bao Công).
Phủ Khai Phong được phục dựng trên diện tích hơn 4 hecta, gồm sân bãi, thành lầu, nha môn, công đường xử án, nơi làm việc của các quan cấp dưới, nhà nghỉ của quan lại, bộ đầu, binh lính…
Nhà lao giam giữ phạm nhân chờ xét xử, được chia làm 2 khu nam – nữ. Bên trong có cả gông cùm, xe tù đều được phục dựng chi tiết để du khách tham quan.
“Bao Thanh Thiên là bộ phim nổi tiếng, in sâu trong tâm trí khán giả. Do đó, khi tới đây, trực tiếp thấy vẻ uy nghiêm của Khai Phong phủ, tôi thấy có chút ‘lạnh gáy’. Nhiều chi tiết trong phim như hiển hiện”, anh Trường kể.
Bên trong nơi xử án đặt cẩu đầu trảm, hổ đầu trảm và long đầu trảm – dụng cụ hành hình phạm nhân thường xuyên xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng. Phía ngoài phủ có một chiếc trống kêu oan.
Du khách ghé thăm Khai Phong phủ có thể xem các vở kịch Bao Công xử án, Bao Công đi tuần hoặc cảnh tái hiện cuộc sống người dân thời xưa.
Cũng trong tour này, anh Trường tới Thiếu Lâm tự – ngôi chùa ở Tung Sơn, huyện Đăng Phong, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, nơi xuất hiện trong tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung và hàng loạt bộ phim võ thuật đình đám.
Thiếu Lâm tự là nơi có môn phái võ thuật cùng tên nổi danh. Với bề dày lịch sử hơn 1.500 năm, quần thể công trình được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Anh Trường rất ấn tượng khi được thăm Tàng Kinh các, nơi từng lưu giữ các bộ sách quý về Phật pháp và võ thuật. Trong Tàng Kinh các, chính giữa là bức tượng Phật nằm, xung quanh là những chiếc tủ lớn lưu giữ kinh sách.
Khi tới Thiếu Lâm tự, ngoài ngắm cảnh, anh Trường còn háo hức trải nghiệm học võ với các tiểu sư phụ. Anh Trường đã trải nghiệm học những động tác võ thuật cơ bản, ngồi thiền cùng chú tiểu trong chùa.
Hiện chùa mở một số khu vực phục vụ khách tham quan như Tàng Kinh các, Thiên Vương điện, Thiên Phật điện, Đại Hùng bảo điện. Vé tham quan là 100 Nhân dân tệ (khoảng 350.000 đồng)/khách.
Trong 12 chuyến đi năm 2024, anh Trường còn trải nghiệm hệ thống giao thông hiện đại của Trung Quốc như tàu đáy kính treo ngược, taxi không người lái tại Vũ Hán, hệ thống tàu đệm từ tốc độ cao ở Thượng Hải,…
“Mạng lưới giao thông thông minh ở Trung Quốc rất phát triển, không chỉ phục vụ việc đi lại tiện lợi, nhanh chóng mà còn mang tới trải nghiệm mới lạ, như trong phim viễn tưởng cho du khách”, anh Trường cho hay.
Trải nghiệm taxi không người lái ở Vũ Hán.
Khi thăm công viên quốc gia Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam, anh Trường có trải nghiệm “thót tim” với hệ thống thang máy ngoài trời Bách Long cao hơn 300m so với mực nước biển, được ví von là tháp Eiffel của Trung Quốc.
Công trình đã thiết lập hàng loạt kỷ lục Guinness: Thang máy ngoài trời cao nhất thế giới, thang máy tham quan 2 tầng cao nhất và thang máy hành khách nhanh nhất với sức chở lớn nhất (khoảng 40 người).
Chỉ tốn khoảng 1,5 phút, du khách có thể lên đến đỉnh núi thay vì leo mất 2 tiếng rưỡi. Từ trên đỉnh, qua cửa kính trong suốt, anh Trường được chiêm ngưỡng khung cảnh ngoạn mục của công viên, nơi từng được lấy làm bối cảnh cho phim Avatar.