Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối, bộ phim về chiến tranh Việt Nam những năm cuối 60 là tâm huyết ấp ủ suốt 10 năm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Phim hiện đã ra mắt khán giả, ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt. Một thước phim hào hùng ý chí dân tộc, 128 phút khốc liệt, bi tráng về những con người lặng lẽ hiến dâng cho tổ quốc. Xem phim xong, mỗi khán giả chắc chắn sẽ có những trăn trở riêng, về hòa bình, về đất nước, về thế hệ cha ông ta, về những mồ hôi, nước mắt, xương máu của những người đã nằm xuống vì sự nghiệp dân tộc.
Là đứa con tinh thần của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, người nổi tiếng với những tác phẩm chỉn chu, thậm chí là chuẩn mực, dễ hiểu khi Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối thành công chinh phục rất nhiều khán giả, kể cả những người khó tính. Dù vậy, không gì là hoàn hảo, phim vẫn còn gây ra một vài tranh cãi, nhất là xoay quanh kết thúc của phim, một kết thúc không thực sự trọn vẹn. Nhưng sự hẫng hụt đó, những hình ảnh ở kết phim liệu có phải là thiếu hụt của kịch bản hay là câu chuyện của cả một thời đại hào hùng?

Địa Đạo không phải một bộ phim có câu chuyện cụ thể
Nội dung của Địa Đạo xoay quanh đội du kích Bình An Đông do Bảy Theo (Thái Hoà) chỉ huy. Trong bóng tối của căn hầm chật chội, họ sống, sinh hoạt, chiến đấu, gắn kết như một gia đình và cùng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhóm tình báo chiến lược. Giữa những ngày tháng bức bối của địa đạo, 21 trái tim ngày ngày giành giật từng tấc hầm vì nhiệm vụ cao cả của dân tộc. Họ là những con người khom lưng giữa địa đạo chật hẹp, ngay cả khi chết cũng chỉ có số ít là được nhìn thấy bầu trời.
Phim mở đầu với câu chuyện về sự xuất hiện của Tư Đạp (Quang Tuấn) giữa địa đạo tăm tối. Anh ta là kẻ không có lai lịch rõ ràng, tất cả những gì mà người du kích biết về Tư Đạp đều do anh tự kể ra. Sự nghi ngờ, dè chừng mở đầu cho những tình huống sau này, khi họ dần gắn kết, nảy sinh những tình cảm cao đẹp và cùng chiến đấu. Ngay cả khi thân phận chưa rõ ràng, Tư Đạp cũng có thể liều mình bắn hạ máy bay, cưa bom chế tạo súng ống, thậm chí còn có cả một “phát kiến vĩ đại” để đánh bại xe tăng. Xuyên suốt 128 phút phim là liên tục những chết chóc, máu me, bom đạn, là sự kiên cường của Bảy Theo, sự liều lĩnh của Tư Đạp, sự lì đòn của Ba Hương (Hồ Thu Anh), là tình yêu nước nồng nàn của hơn 20 con người chưa từng được đào tạo bài bản về quân sự. Họ sống và chiến đấu dưới địa đạo tăm tối, ngột ngạt, là những mặt trời tỏa sáng trong đêm đen.

Thực tế, nếu so với Đào Phở Và Piano ra mắt hồi đầu năm ngoái thì Địa Đạo là một tác phẩm không hoàn toàn có câu chuyện cụ thể. Các nhân vật chia vai chính phụ rõ ràng nhưng không một ai là thực sự nổi bật, kể cả Bảy Theo. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã chọn một hướng đi rất mới và mạo hiểm khai thác câu chuyện Địa Đạo theo hình thức “lát cắt cuộc sống”, đặt khán giả vào bối cảnh cụ thể, nơi được thấy những người du kích sống, sinh hoạt và chiến đấu ra sao.
Không cần một câu chuyện cụ thể có đầu đuôi, cao trào hay mâu thuẫn rõ ràng cũng chẳng cần một nhân vật quá rõ nét theo kiểu lý tưởng hóa tuyệt đối hay phản diện hai mang. Điều này đôi khi lại làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của một bộ phận người xem, những khán giả thích các tác phẩm có câu chuyện cụ thể, đầu cuối rõ ràng. Thế nhưng chính việc khai thác phim theo hình thức lát cắt cuộc sống này lại là cách để khắc họa rõ nét bản chất của chiến tranh, nơi những người lính có thể không được ai nhớ tên, không một ai là ngôi sao nhưng vẫn hết mình hi sinh vì lý tưởng dân tộc. Xem phim, khán giả được thấy những chuỗi hành động dồn dập, là tiếng súng, bom đạn liên thanh, những mẩu chuyện ngắn ngủi, vội vã, những khẩu lệnh đôi khi gay gắt đến mức khiến đồng đội phải uất nghẹn,… Bằng cách này, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã khắc họa hình ảnh chiến tranh một cách gần nhất. Không phải một câu chuyện rõ nét nhưng Địa Đạo lại giúp khán giả nhưng được sống, được trải nghiệm lịch sử, được là một thành phần của căn hầm chật chội.

Kết thúc của Địa Đạo
Không chỉ diễn biến phim, cách kể chuyện của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mà ngay cả kết thúc của Địa Đạo cũng gây nhiều tranh cãi. Những mất mát và chiến tranh vẫn hiện diện rõ ràng, một cảnh ân ái giữa bom đạn, sự tha bổng cho kẻ địch, mênh mông đất trời, toàn nước và chết chóc… Tất cả những yếu tố này, kết hợp với một kết thúc mở, đã khiến không ít khán giả băn khoăn, thậm chí tranh cãi gay gắt về thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải. Nhiều người cho rằng họ cần một kết thúc rõ ràng hơn hoặc chí ít là một cái kết cụ thể cho một nhân vật nào đó. Cái kết theo kiểu tất yếu, hoặc là một sự khép lại, một điều gì đó rõ nét để mọi thứ có thể trọn vẹn.
Đúng, kết thúc của Địa Đạo có phần gây hụt hẫng nhưng nó có phải điểm yếu của kịch bản, sự hụt hơi của câu chuyện hay không thì chắc chắn câu trả lời là không?
Vì chiến tranh trường kỳ thì sẽ thật khó để gói gọn trong một tác phẩm. Và rõ ràng nếu chúng ta còn được ngồi đây, xem bộ phim này, ra khỏi rạp và nhìn thấy cuộc sống yên bình hiện tại, thì đó chính là kết thúc của Địa Đạo.
Kết thúc của Địa Đạo chính là hòa bình ngày hôm nay của chúng ta.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, với khả năng kể chuyện đặc biệt của mình, đã khéo léo khai thác một lát cắt cuộc sống trong chiến tranh chứ không phải toàn bộ cuộc chiến trường kỳ của dân tộc. Bộ phim không chỉ tập trung vào những trận đánh, những mảnh vỡ của chiến tranh, mà còn khắc họa những con người trong thời kỳ ấy, những số phận đã bị chiến tranh thay đổi. Và trong bối cảnh ấy, cái kết mở của Địa Đạo lại là một thông điệp mạnh mẽ về sự không thể lường trước của cuộc sống. Sau tất cả những mất mát, đau thương, người ta phải học cách sống tiếp, phải hòa nhập với hiện tại và hơn hết là phải tiếp tục chiến đấu, ngay cả khi địa đạo ngập trong biển nước, ngay cả khi người dẫn đầu cũng không còn bên cạnh.
Kết thúc của Địa Đạo, chính xác là một sự nhắc nhở về sự khắc nghiệt của chiến tranh, nhưng đồng thời cũng phản ánh sự phục hồi, sự sống tiếp và những gì còn lại sau một trận chiến. Cuộc sống yên bình hôm nay, khi chúng ta có thể ngồi xem bộ phim này trong một thế giới không còn chiến tranh, chính là kết thúc mà Địa Đạo muốn nói đến. Cái kết ấy không cần phải là sự kết thúc rõ ràng của một câu chuyện cá nhân nào đó, mà là sự hoàn thiện của một bức tranh toàn cảnh về đất nước và con người trong một thời kỳ đầy đau thương.

Ngay từ những phút đầu của bộ phim, khi đạo diễn Bùi Thạc Chuyên quyết định kể về Địa Đạo như một lát cắt của chiến tranh, nhiều khán giả đã có thể nhận ra rằng không thể nào có một kết thúc “trọn vẹn” trong vỏn vẹn 128 phút. Tất cả những đau thương, những mất mát mà bộ phim phản ánh đều không thể được giải quyết trong một cái kết đơn giản, gói gọn ở vài phút cuối. Và chính cái kết mở ấy đã một lần nữa khắc họa bản chất của chiến tranh, là sự tiếp nối, là lời nhắc nhở về những gì đã qua, về những mất mát mà chiến tranh đã gây ra, và về việc con người tiếp tục sống, tiếp tục hòa nhập với hiện tại, dù quá khứ vẫn còn vẹn nguyên. Và khi chúng ta, những người đang sống trong hòa bình, nhìn lại quá khứ, chính là lúc chúng ta nhận ra rằng cái kết thực sự của Địa Đạo chính là hòa bình ngày hôm nay.