Video: Người khách Nhật Bản bất ngờ trước “báo giá” của chủ tiệm mắt kính. Clip: Nhân vật cung cấp
Bất ngờ
Ít ngày qua, mạng xã hội lan tỏa đoạn clip ghi lại cảnh người đàn ông Nhật Bản liên tục nói lời cám ơn chủ một tiệm mắt kính trước khi rời cửa hàng. Trước đó, người khách Nhật Bản đem chiếc kính bị hỏng đến cửa tiệm để sửa.
Sau khi chiếc kính được sửa xong, vị khách hỏi chủ tiệm số tiền mình cần phải thanh toán thì người này không nhận tiền công sửa chữa.
Sự việc khiến người khách Nhật Bản rất bất ngờ. Anh liên tục hỏi và đề nghị được trả tiền nhưng chủ cửa tiệm kiên quyết không nhận. Sau ít phút bối rối, vị khách rời cửa tiệm trong sự ngỡ ngàng, khó hiểu.
Chủ nhân của đoạn clip trên là anh Naoki Okamura (quốc tịch Nhật Bản). Anh Okamura là khách đến TPHCM du lịch.
Anh Okamura kể, chiếc kính của anh bị mất một con ốc vít nên không thể đeo. Anh quyết định tìm một cửa tiệm kinh doanh kính mắt để sửa.
Cuối cùng, anh ghé vào một tiệm kính mắt trên đường Hoàng Diệu (quận 4, TPHCM). Tại đây, anh giao tiếp bằng tiếng Anh, nhờ người chủ tiệm sửa chiếc kính cho mình.
Anh Okamura chia sẻ: “Anh ấy không nói gì mà chỉ cầm lấy kính của tôi và bắt đầu sửa chữa. Sau khoảng 5 phút, anh ấy trả lại kính cho tôi. Lúc đó, chiếc kính đã được sửa xong.
Tôi hỏi anh ấy bao nhiêu tiền nhưng anh ấy chỉ nói “Không”. Tôi rất bối rối và hỏi lại mình cần phải trả bao nhiêu tiền cho chi phí sửa chữa chiếc kính. Nhưng một lần nữa, anh ấy lại nói: “Không, không”.
Lúc đó, tôi thực sự không biết phải làm gì vì đó không phải là điều tôi quen gặp. Thông thường, khi sử dụng dịch vụ, tôi phải trả tiền. Đây là thói quen và kinh nghiệm sống của tôi bao lâu nay.
Vì vậy, tôi cứ hỏi đi hỏi lại là: “Anh chắc chứ? Tôi sẽ trả tiền cho anh hoặc chí ít, tôi cũng nên gửi cho anh một thứ gì đó”. Nhưng anh ấy vẫn nhất mực từ chối.
Cuối cùng, tôi phải ngừng hỏi vì nhận thấy anh ấy có vẻ khó chịu khi tôi cứ đòi trả tiền. Tôi rời cửa hàng và nói “Cảm ơn rất nhiều, xin cảm ơn bằng tiếng Anh, tiếng Việt và cả tiếng Nhật nữa. Tôi muốn thể hiện lòng biết ơn của mình nhiều nhất có thể”.
Trải nghiệm khó quên
Sau khi rời cửa hàng, anh Okamura vẫn tiếc nuối vì không thể bày tỏ cảm xúc, lòng biết ơn của mình với người đã sửa kính không công cho anh. Hơn thế, anh luôn cảm thấy kỳ lạ, kinh ngạc trước hành động của người này.
Anh không biết việc người chủ cửa tiệm không nhận tiền thù lao có đúng hay không và vì sao người này lại làm như vậy. Để tìm câu trả lời, anh quyết định đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh chủ tiệm từ chối nhận tiền sau khi sửa kính cho mình lên mạng xã hội.
Sau khi đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội, anh Okamura nhận về nhiều câu trả lời. Trong đó, người xem đều khẳng định, điều đó là hết sức bình thường tại Việt Nam.
Nhiều cư dân mạng còn giải thích rằng, tại Việt Nam với lòng hiếu khách, tốt bụng của mình, phần lớn người thợ sẽ không nhận chi phí sửa chữa những thứ nhỏ, đơn giản, không tốn nhiều sức lực.
Anh tâm sự: “Những câu giải thích ấy càng khiến tôi ngỡ ngàng. Bởi ở Nhật Bản, bạn sẽ không được sửa chữa thứ gì miễn phí, đặc biệt khi đó là lỗi của bạn. Ít nhất tôi cũng chưa bao giờ có trải nghiệm tương tự ở quê hương của mình.
Là một người sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, tôi thấm nhuần văn hóa trên. Do đó, cách mà người đàn ông ở cửa tiệm hành xử thực sự khiến tôi ngạc nhiên.
Khi tôi đăng tải clip lên mạng xã hội để tìm câu trả lời, rất nhiều người Việt Nam đã giải thích cho tôi hiểu. Một số bạn còn chỉ tôi mua tặng anh ấy ly cà phê, cốc trà sữa, sinh tố… để thay cho lời cám ơn.
Tôi yêu mến sự hiếu khách của người Việt Nam dành cho mình và những người khách nước ngoài như tôi.
Sau trải nghiệm thú vị này, tôi sẽ bắt đầu học tiếng Việt. Tôi muốn diễn đạt tất cả lòng biết ơn của mình bằng chính ngôn ngữ của người Việt Nam”.
Nam giới Nhật Bản cảm thấy bị thiệt thòi so với phụ nữ
NHẬT BẢN – 30% nam giới Nhật Bản tin rằng những nỗ lực bình đẳng giới đang vượt quá giới hạn hợp lý, khiến họ bị phân biệt đối xử ngược.
‘Vua thi ăn’ Nhật Bản tuyên bố giải nghệ vì chán ăn, nhịn 3 ngày không thấy đói
NHẬT BẢN – Người đàn ông từng vô địch nhiều cuộc thi ăn suốt hơn 20 năm đã tuyên bố giải nghệ. Hiện tại, anh có thể nhịn ăn 3 ngày không thấy đói.
Nhật Bản: Trả tiền để được nằm trong quan tài, trải nghiệm cái chết
Ở lễ hội Chết, người tham gia phải trả tiền để được nằm trong quan tài, trải nghiệm cái chết trong vài phút để biết trân quý cuộc sống hiện tại.