Cua da là một trong những món ngon nổi tiếng, chỉ xuất hiện vào dịp cuối thu, đầu đông ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Cua da có vỏ màu xanh xám hoặc hơi ửng đỏ, chân và mình to, dài hơn gấp 3 – 4 lần cua đồng. Loại cua này thường sinh sống trong các khe ghềnh, hốc đá dưới sông Cầu, đoạn chảy qua địa phận một số xã ven sông như Đồng Việt, Đồng Phúc, Yên Lư.
Theo người dân địa phương, sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi loài cua này có một lớp lông trên chân, càng và yếm, giống như một lớp da bảo vệ chúng ngoài tự nhiên.
Ở một số nơi, cua da còn được gọi là cua ra (dựa theo câu thành ngữ “Tháng Chín cua ra, tháng Ba cua vào”) hay cà ra.
Trước đây, cua da thường được đánh bắt ở sông nhưng mùa vụ ngắn và việc khai thác khá khó khăn. Sau này, khi nhu cầu sử dụng loại cua này tăng lên, người dân địa phương triển khai mô hình nuôi cua da tại một số khu vực đầm ven sông thuộc xã Cảnh Thụy hay xã Đồng Việt.
Anh Hải – chủ một cơ sở kinh doanh hải sản ở TP Bắc Giang cho biết, khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 là thời điểm bắt đầu vào vụ cua da, kéo dài chừng 2 tháng. Tuy nhiên, cua đầu mùa thường mới “lột xác”, thịt bở và chưa béo.
Còn độ giữa tháng 10 trở ra, cua da được nhận xét là đạt chất lượng nhất, thịt béo ngậy, dậy mùi thơm.
Mỗi cân cua da hiện có giá dao động từ 320.000 – 500.000 đồng. Cua cái đắt hơn cua đực, chênh lệch khoảng 120.000 – 150.000 đồng/kg.
“Tùy kích cỡ mà giá cua da cũng khác nhau. Trung bình loại 6 – 7 con/kg có giá hơn 300.000 đồng (với cua đực) và gần 500.000 đồng (với cua cái). Loại to chừng 4 – 5 con/kg thì giá cao hơn, chừng 600.000 – 700.000 đồng/kg, tùy thời điểm”, anh Hải nói.
Mặc dù giá thành khá cao nhưng cua da vẫn được thực khách ưa chuộng vì giàu dinh dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, phổ biến nhất là lẩu cua da và cua da hấp. Hai món ăn này vừa có cách làm đơn giản, vừa giữ được vị ngọt thơm tự nhiên từ cua.
Chị Thu Hoài (ở Hà Nội) nhận xét, cua da có vị ngon riêng, không giống những loại cua, ghẹ thường thấy. Thịt cua da ngọt, phần càng và chân khá mềm, khi ăn không cần dùng kẹp tách vỏ như cua biển.
“Với những con kích thước nhỏ, mình thường xay ra để nấu canh. Còn cua to mua về hấp bia, ăn rất cuốn. Cầu kỳ hơn, bạn có thể sơ chế cua da, làm món lẩu cua để cả gia đình thưởng thức vào những ngày trời se lạnh. Phần chân, càng sẽ xay, lọc lấy nước cốt làm nước lẩu, còn phần mình để nguyên thả lẩu”, chị Hoài nói.