Lá sau sau non là loại rau rừng quen thuộc xuất hiện nhiều ở một số tỉnh miền Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn…, được người dân địa phương tận dụng làm nguyên liệu chế biến thức ăn.
Ở Lạng Sơn, lá sau sau non cũng được xem như đặc sản riêng có của mùa xuân, hút khách tìm mua và thưởng thức.

Chị Đỗ Thủy (huyện Cao Lộc) cho biết, ở Lạng Sơn, cây sau sau có ở hầu hết các huyện nhưng tập trung nhiều tại một số địa phương như Văn Quan, Cao Lộc, Bình Gia…
Đây là cây thân gỗ, mọc tự nhiên, còn có tên gọi khác là sau trắng, phong hương hay bạch giao hương… Vì thân cây cao nên người bản địa khá vất vả khi thu hái những ngọn sau sau non để đem bán hoặc làm món ăn.
Chị Thủy cho hay, lá sau sau non thường có nhiều vào khoảng tháng Giêng, khi tiết trời đang lạnh dần trở ấm và có chút mưa phùn đầu xuân.
Lúc này, người dân địa phương bắt đầu vào rừng thu hoạch lá sau sau non. Sau khi thu hái, họ buộc thành từng bó, đem xuống bán dọc đường hoặc trong các khu chợ dân sinh với giá dao động từ 7.000 – 10.000 đồng/bó.
“Ở Lạng Sơn, sau sau có hai loại là lá xanh và lá tím. Song, loại lá tím được ưa chuộng hơn, có vị đắng nhẹ đặc trưng”, chị chia sẻ.

Người phụ nữ này nói thêm, lá sau sau non được sử dụng như một loại rau sống chứ ít ai đem xào hoặc nấu. Vì là rau rừng được hái từ trên cây cao nên lá sau sau khá sạch, chỉ cần rửa qua nước là có thể ăn ngay, không cần chế biến kỳ công.
Với người dân Lạng Sơn, lá sau sau non ngon nhất là khi ăn sống, chấm cùng mẻ – thứ nước sốt đặc biệt chẳng giống nơi đâu.
Chị Thủy cho hay, mẻ chấm lá sau sau non được chế biến từ nhiều nguyên liệu, gia vị.
Theo đó, người ta phi thơm hành tím băm nhỏ rồi cho cà chua vào đảo cùng, dằm đều tay cho cà chua mềm nhừ ra, tạo thành hỗn hợp thật nhuyễn.
Tiếp đến, cho thêm nước mẻ chua đã lọc và nêm nếm gia vị vừa ăn. Cuối cùng là cho thịt hộp vào đun cùng, chờ nước sốt sôi lăn tăn 3-5 phút là được.
Khi ăn, người ta đổ nước sốt ra một cái tô lớn, dày để giữ nhiệt, có thể thêm chút ớt, hạt tiêu. Vì món này ăn rất hao nước chấm nên bà con thường làm bát nước sốt to bằng cả tô canh.
![]() |
![]() |
Chị Thanh Nga (ở Hà Nội) từng thưởng thức ngọn sau sau chấm sốt mẻ ở Lạng Sơn nhận xét, món ăn có vị lạ miệng, thanh mát, thích hợp để giải ngấy sau những bữa cơm, tiệc tùng dịp đầu năm.
“Vị chát, đắng nhẹ của lá sau sau non hòa quyện với vị chua của mẻ, vị béo ngậy của thịt hộp, tạo nên một món ăn vô cùng thú vị, hấp dẫn từ người lớn đến trẻ em”, chị Nga bày tỏ.
Người phụ nữ này cũng tiết lộ, ngoài ăn sống chấm mẻ, lá sau sau non còn được biến tấu thành món lẩu, có thể thay thế cho các loại rau ăn lẩu quen thuộc khác.
Bên cạnh đó, tầm tháng 2, tháng 3 âm lịch, khi hết mùa lá non, người Lạng Sơn còn sử dụng lá già để làm món xôi đen cũng không kém phần hấp dẫn.

![]() |
![]() |
Không chỉ được xem như đặc sản lạ từ tên gọi đến hương vị, lá sau sau còn mang lại một số lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.
Theo y học cổ truyền, lá sau sau có vị đắng, tính bình, giúp thanh nhiệt giải độc, chữa viêm ruột, đau vùng thượng vị, thổ huyết, chảy máu cam… hay trị ho, điều trị mẩn ngứa ngoài da.
