Ngoài những đặc sản nổi tiếng như kẹo dừa, dừa sáp…, ở Bến Tre còn có một món ăn liên quan đến dừa nhưng không phải ai cũng biết và có cơ hội được thưởng thức. Đó là chuột dừa.
Theo người dân địa phương, chuột dừa khá giống chuột đồng nhưng sống trên cây dừa. Chúng ăn củ hủ dừa – phần lõi non được ví như tủy sống của cây và phá luôn trái để ăn phần cơm dừa, uống nước dừa bên trong.
Cũng bởi lấy chất dinh dưỡng từ đó mà chuột dừa được đánh giá là có mùi vị thơm ngon, hấp dẫn với phần thịt săn chắc, hơi dai, dậy vị ngọt tự nhiên.
Chị Thúy Ly – một đầu mối chuyên cung cấp đặc sản chuột dừa ở huyện Giồng Trôm cho biết, ban đầu, người địa phương bắt chuột để bảo vệ vườn dừa, đảm bảo năng suất trái.
Sau này, khi thịt chuột dừa được ưa chuộng và dần trở thành đặc sản, người ta còn kiếm thêm thu nhập từ việc bắt chuột, bán cho thương lái, nhà hàng để chế biến món ăn.
“Việc bắt chuột dừa rất kỳ công và đòi hỏi kinh nghiệm. Ngoài đánh bẫy, người dân Bến Tre còn áp dụng phương pháp thủ công là đánh động vào hang ổ của chuột trên cây dừa, đợi chúng chạy ra các tàu lá thì tóm gọn bằng dụng cụ chuyên dụng”, chị Ly nói.
Theo chị, chuột dừa kích thước khá nhỏ, chừng 8-9 con/kg. Song, loại chuột này có phần thịt chất lượng, chưa kể săn bắt khó khăn nên giá bán khá cao, khoảng 150.000 – 200.000 đồng/kg (sau khi làm sạch, sơ chế).
Đặc biệt, gần Tết là thời điểm chuột dừa đắt khách nhất nên dịp này, giá thành cũng nhỉnh hơn, thậm chí cung không đủ cầu.
Chị Ly cho hay, ở Bến Tre, chuột dừa có thể chế biến thành nhiều món ăn như hấp, quay chảo, xào lăn, rim…, nhưng ngon và phổ biến nhất vẫn là chuột dừa nướng.
Tùy từng nơi, người ta nướng chuột với muối ớt hoặc sả, tỏi, nêm nếm gia vị theo sở thích riêng.
Để món ăn đảm bảo chất lượng thơm ngon, người ta sơ chế chuột dừa thật khéo léo và kỹ lưỡng. Chuột sau khi thui hoặc trụng qua nước sôi để làm sạch lông thì đem mổ bụng, bỏ ruột, cắt ngắn chân, đuôi.
Tiếp đến, người ta rửa thịt chuột với rượu hoặc nước giấm, chanh pha loãng, thậm chí thêm bước xát muối đều từ trong ra ngoài để làm sạch và khử mùi tanh. Sau đó, rửa tiếp lượt nước nữa rồi để ráo.
“Thịt chuột dừa sau khi làm sạch thì đem tẩm ướp với hành, tỏi, sả, ớt băm nhuyễn, nêm nếm thêm muối, tiêu, ngũ vị hương tùy theo nhu cầu. Chờ khoảng 15-20 phút cho gia vị thấm đều thì đem thịt chuột ra nướng”, chị Ly chia sẻ.
Chuột dừa ngon nhất khi nướng bằng bếp than, giữ mức lửa vừa và lật đều tay để đảm bảo thịt chín đều, còn phần da giòn, có màu vàng ruộm bắt mắt.
Vì tẩm ướp gia vị vừa miệng nên thịt chuột dừa nướng nóng hổi xong có thể thưởng thức ngay mà không cần thêm nước chấm.
Chị Mỹ Duyên (ở TPHCM) từng trải nghiệm chuột dừa nướng ở Bến Tre vài lần nhận xét, món ăn thoạt nhìn khá sợ nhưng ăn lại thấy lạ miệng và có hương vị đặc trưng riêng, nhất là phần thịt chuột có mùi thơm khó hòa lẫn.
“Thịt chuột dừa vừa có độ săn, hơi dai, vừa có độ mềm, béo. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị thơm của dừa hòa quyện vào từng thớ thịt, thấy ngon hơn cả thịt ếch đồng hay thịt gà đồi.
Mặc dù không tránh khỏi tâm lý dè chừng, sợ hãi trước khi thưởng thức nhưng nếu quen rồi, bạn có thể thưởng thức vài con một lần mà không cảm giác ngán hay no”, chị Duyên bày tỏ.
Ngoài món nướng, thịt chuột dừa hấp cũng được người Bến Tre và du khách thập phương yêu thích. Tuy nhiên, món ăn này có hình thức kém hấp dẫn hơn, dễ gây cảm giác sợ hãi với những thực khách lần đầu thưởng thức.