Công tử Bạc Liêu vốn là biệt danh của Trần Trinh Huy, hay Ba Huy, – một thiếu gia ăn chơi khét tiếng của xứ Nam Kỳ và Sài Gòn thời Pháp thuộc. Những giai thoại “đốt tiền” về ông đã trở thành câu chuyện truyền miệng qua bao thế hệ. Bộ phim điện ảnh Công tử Bạc Liêu gây tò mò khi muốn khám phá những thứ ly kỳ phía sau. Song, những gì khán giả nhận được chỉ là một tác phẩm phi lý và hời hợt.
Nhân vật chính của Công tử Bạc Liêu là Ba Hơn (Song Luân) – con trai của ông Hội đồng Lịnh (NSƯT Thành Lộc) giàu nhất nhì xứ Nam Kỳ. Sau thời gian qua Pháp du học, anh chàng mang về nhà đủ loại bằng cấp ăn chơi, khiêu vũ. Ba Hơn đòi cha mua cho chiếc máy bay trị giá cả trăm cân vàng để thỏa ước mơ lượn trên bầu trời. Song, Hội đồng Lịnh bắt con trai phải “tự lực cánh sinh” bằng cách quản lý ngân hàng ở Sài Gòn. Đây cũng là lúc thói hư tật xấu của anh chàng phát huy tác dụng với đủ trò phá phách, “đốt tiền” và cuộc đối đầu kinh điển với công tử xứ Mỹ Tho là Tư Phát (Công Dương).
Nội dung phi lý, tình tiết hời hợt
Trên thực tế, những giai thoại về Công tử Bạc Liêu mang nhiều màu sắc trào phúng, phóng đại như kiểu bác Ba Phi của người dân Nam Kỳ. Nhiều câu chuyện trong số đó được chính gia đình ông khẳng định là không hề xảy ra hay chỉ đúng một phần nhỏ. Do đó mà các nhân vật trong phim đều chỉ là phóng tác dựa trên nhân vật có thật, như Ba Hơn là Ba Huy, Tư Phát là Tư Phước, ông Hội đồng Lịnh là Hội đồng Trạch hay cô đào Bảy Loan (Đoàn Thiên Ân) chính là cố nghệ sĩ Phùng Há.
Đạo diễn Lý Minh Thắng cũng khá đúng đắn khi tiếp cận Công tử Bạc Liêu theo hướng trào phúng, châm biếm (hài đen) giống Parasite (2019), Don’t Look Up (2021) hay Babylon (2022)… Song, cách làm non tay, cắt dựng kém khiến các tình huống hài hước trở nên lố lăng, gượng gạo. Những phân đoạn nhảy múa, làm lố của dàn nhân vật chẳng thấy mang lại tiếng cười mà chỉ là sự ngao ngán, chán chường. Ngược lại, các đoạn cảm xúc lại… gây cười vì quá ngô nghê.
Khán giả đến xem Công tử Bạc Liêu vì muốn biết sự thật đằng sau những giai thoại về nhân vật này, hay ví dụ điển hình là màn so tài nấu chè bằng tiền để lấy lòng Bảy Loan giữa Ba Hơn và Tư Phước. Nhưng những gì bộ phim mang đến chỉ là sự nhạt nhòa qua vài phân đoạn. Xuyên suốt thời lượng, mọi thứ chỉ gói gọn trong việc Ba Hơn cãi nhau với cha, muốn chứng tỏ bản thân rồi ra đường ăn chơi quậy phá. Cứ thế lặp đi lặp lại không hề có điểm nhấn cụ thể.
Tác phẩm chẳng có bất kỳ tình tiết then chốt nào để hấp dẫn người xem. Mọi thứ xung quanh cuộc đời Ba Hơn đều rất nhạt nhòa, mối tình với Bảy Loan, cuộc đối đầu với Tư Phát đều chỉ như cưỡi ngựa xem hoa. Cao trào hay nút thắt gì đều chẳng có hoặc có nhưng không đáng kể, không đáng để quan tâm khi thời lượng đã quá dài và nhạt nhẽo. Không những thế, kịch bản phim còn đầy lỗ hổng phi lý. Mệt nhân vật thì một thì mệt vì cắn phải sạn trong phim lại là mười.
Điểm đáng khen duy nhất trong khâu sản xuất có lẽ nằm ở phần phục trang và bối cảnh khá chỉn chu. Song, thứ gì trong Công tử Bạc Liêu nhìn cũng mới toanh, kể cả trang phục của người nghèo cũng chẳng có vết tích gì là dơ bẩn, nhàu nát. Phần bối cảnh thì nhìn rõ được toàn bộ chỉ là phim trường được xây dựng công phu, không hề có màu sắc cổ kính của thập niên 1930 hay mang đến cảm giác con người thật sự sống ở đây.
Thông điệp lệch lạc
Bên cạnh kịch bản, cách Công tử Bạc Liêu xây dựng nhân vật Ba Hơn và đưa ra thông điệp tổng thể rất khó hiểu, thậm chí là lệch lạc. Phim loay hoay không biết nên khắc họa Công tử Bạc Liêu ra sao, một kẻ phá gia chi tử hay “tẩy trắng” thành người tốt. Cuối cùng, bản thân nhân vật chính còn là một mớ hổ lốn chẳng đâu ra đâu thì nói gì đến cả bộ phim?
Mỗi khi bị cha mắng mỏ, Ba Hơn luôn tức giận, đau buồn và muốn chứng tỏ bản thân mình tài giỏi cho ông thấy. Anh chàng lúc nào cũng tỏ ra nguy hiểm, như đang ấp ủ kế hoạch gì lớn lao lắm. Thậm chí, độ “nguy hiểm” của Ba Hơn còn được thể hiện ở tình tiết nhân vật đứng dưới mưa nhảy khi buồn không khác gì Joker Bạc Liêu. Đúng Ba Hơn là Joker thật, nhưng mà là thằng hề trong Joker: Folie à Deux (2024) chứ không phải hoàng tử tội phạm trong The Joker (2019).
Ba Hơn chẳng hề có tài cán gì, kiến thức về nghiệp vụ ngân hàng bằng không. Bởi lẽ, ngân hàng chỉ là nơi huy động vốn gửi từ người dân để mang đi kinh doanh sinh lợi. Ba Hơn thì dùng nó để mua máy bay, quảng cáo cho càng nhiều người gửi vào càng tốt không khác gì đang kinh doanh đa cấp. Người xem chờ đợi cả phim mà không thấy tài cán của Ba Hơn đâu, mọi thứ chỉ được thể hiện bằng lời nói. Hay thực chất phim đang lên án thói phông bạt? Cuối cùng, tất cả mới vỡ lẽ ra mình chỉ đang coi một thằng phá gia chi tử, xài tiền cho cha rồi tỏ ra tài giỏi, không được cho tiền thì ăn vạ mà không hề hay biết.
Nhưng nếu Công tử Bạc Liêu làm vậy để lên án thì không có gì để bàn. Phim cố tình “tẩy trắng” cho Ba Hơn khi những gì anh chàng làm đều là để… phục vụ cho người dân và “muốn người Pháp phải nể dân An Nam”. Thật kỳ lạ khi Hội động Lịnh vốn làm giàu bằng chính sách ngu dân của Pháp, kinh doanh bài bạc, cho vay nặng lãi, đàn áp dân nghèo nhưng lại lên tiếng đòi “vì người An Nam”. Hóa ra, tài cán của Ba Hơn là dùng tiền của cha lên máy bay rải xuống ruộng cho người dân nghèo lượm.
Cả phim chẳng thấy Ba Hơn làm gì cho đất nước, dân tộc mà chỉ tổ chức thi Hoa hậu, đánh võ đài và cá độ nhưng rồi lại được người dân bênh vực vì “mang đến niềm vui”. Anh chàng chỉ học thói hư tật xấu ở Pháp rồi lại yêu sách bắt người Pháp phải mang các “thú vui” đó đến An Nam.
Không những thế, tư duy của Hội đồng Lịnh dành cho con trai cũng rất khó hiểu. Ban đầu, ông thường xuyên la mắng Ba Hơn không có tài năng, tiêu hoang phung phí và làm những trò ra vẻ lố bịch. Nhưng rồi khi cậu con trai chứng tỏ những gì mình nói đúng là sự thật, phá hoại cả một ngân hàng, Hội đồng Lịnh quyết định… cho sản nghiệp để Ba Hơn phá tiếp vì anh chàng “làm cái biệt danh Công tử Bạc Liêu nổi khắp xứ Nam Kỳ”?!?!? Quả là một bộ phim đậm tính giáo dục!
Chiếc áo quá khổ với Song Luân
Trong dàn diễn viên Công tử Bạc Liêu, chỉ có NSƯT Thành Lộc và NSƯT Hữu Châu là làm tốt vai trò của mình. Họ là bạn diễn lâu năm nên rất ăn ý, tung hứng trong vai hai kẻ thù truyền kiếp là Hội đồng Lịnh và Bá hộ Kim. Cả hai đều là những con cáo già, bề ngoài luôn vui vẻ, thân thiện, lễ nghĩa nhưng bên trong đầy mưu mô, toan tính. Có lẽ, ê-kíp nên làm phim về Hội đồng Lịnh và Bá hộ Kim có khi còn hay hơn.
Vai Công tử Bạc Liêu là cái áo quá khổ so với Song Luân. Anh chàng không ra dáng sang trọng, cũng chẳng ngông cuồng. Hành trình phát triển nhân vật Ba Hơn như dậm chân tại chỗ, không có bất kỳ chuyển biến tâm lý nào. Cuối cùng, người xem chỉ nhớ đến Công tử Bạc Liêu như một đứa trẻ chưa lớn nhưng thay vì đòi đồ chơi thì đòi tiền của cha để mua “đồ chơi” lớn hơn mà thôi.
Không những thế, cách xây dựng nhân vật theo kiểu hài đen trào phúng là một con dao hai lưỡi vì nếu không cẩn thận sẽ khiến họ trở nên lố lăng. Cả cậu Ba và em Sáu (Kaity Nguyễn) đều rơi vào trường hợp này. Nhân vật của Kaity xuất hiện cho có, không có gì đáng nhớ, chẳng có gì đặc biệt và dễ dàng chìm vào quên lãng. Bảy Loan của Đoàn Thiên Ân mang tiếng nữ chính nhưng xuất hiện được vài phút và có chưa tới chục câu thoại. Tiếc nhất là Tư Phát của Công Dương rất tiềm năng nhưng bị ngó lơ không khác gì khách mời.
Chấm điểm: 2/5
Những bộ phim như Công tử Bạc Liêu cho thấy tầm quan trọng của kịch bản. Phim có đầu tư công phu, dàn diễn viên tên tuổi nhưng kịch bản tệ hại thì tổng thể sẽ ra một tác phẩm thảm họa. Lẽ ra, đạo diễn Lý Minh Thắng nên xác định từ đầu mục đích phim và hướng xây dựng nhân vật thay vì nhồi nhét quá nhiều như vậy.