HHT – Bên cạnh những câu hỏi khó, chương trình vẫn thường đan xen một số câu hỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ mức khá đơn giản để kiểm tra kiến thức chung đến khả năng cập nhật vấn đề xã hội của thí sinh. Tuy nhiên, đứng ở trường quay cộng thêm tâm lý hồi hộp, 4 thí sinh đã phải “bó tay” với một câu hỏi ở Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 24.
Trong trận Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 24, chương trình đưa ra một câu hỏi Toán học ở phần thi Về đích như sau:
“Hai chú chim bắt đầu bay cùng lúc từ đỉnh của Cột cờ Hà Nội và nóc di tích Đoan Môn với quãng đường thẳng, dài như nhau. Chúng gặp nhau ở một điểm trên mặt đất, nằm giữa hai công trình trên. Giả sử Cột cờ Hà Nội cao 33m, di tích Đoan Môn cao 21m và hai nơi cách nhau 300m. Hỏi điểm gặp nhau cách Cột cờ Hà Nội bao nhiêu mét?”
Câu hỏi này được đánh giá là dễ bởi để tìm ra được đáp số chỉ cần cho khoảng cách giữa điểm gặp nhau của 2 chú chim và Cột cờ Hà Nội là x (mét). Khi đó điểm gặp nhau cách di tích Đoan Môn một đoạn 300 – x (mét). Do 2 chú chim bay với quãng đường như nhau nên theo định lý Pytago ta có phương trình: x^2 + 33^2 = 21^2 + (300-x)^2.
Giải phương trình trên ta thu được kết quả là x = 148,92m. Thế nhưng, do thời gian suy nghĩ quá ngắn nên nhà vô địch năm nay trả lời không chính xác và 3 thí sinh còn lại cũng không có ai đưa ra câu trả lời.
Cũng là một câu hỏi liên quan đến lĩnh vực Toán học trong trận Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 24, thí sinh Nhật Minh nhận được câu hỏi như sau:
“Một cậu bé có một ly sữa đầy và một cô bé có một chiếc cốc rỗng có thể tích bằng ly sữa. Bước đầu tiên, cậu bé rót 1/2 sữa từ ly vào cốc. Ở bước thứ hai, cô bé rót 1/3 sữa trong cốc vào ly. Ở bước thứ ba, cậu bé rót 1/4 sữa trong ly sang cốc. Ở bước thứ tư, cô bé rót 1/5 sữa trong cốc sang ly. Việc rót xen kẽ này tiếp tục sao cho ở mỗi bước, mẫu số tăng thêm 1. Sau bước thứ mười ba, phần sữa ở trong ly là bao nhiêu?”
Đáp án là 1/2. Câu hỏi này đã làm khó cả 4 nhà leo núi bởi nhìn qua cũng thấy váng đầu, nên không ai đưa ra được đáp án chính xác. Phú Đức đã kịp nhấn chuông nhưng cũng không phải câu trả lời đúng.
Nhiều bình luận cho rằng để giải bài này phải mất thời gian tối thiểu từ 1 phút trở lên, nhưng trong cuộc thi, thời lượng suy nghĩ của thí sinh được tính bằng giây, bấm máy cũng chưa chắc giải được. |
Cũng có ý kiến cho rằng cần thay đổi con số trong đề bài thành số tròn chục để tiện tính toán trong vài giây. |
Một số khán giả nhận định những câu hỏi này khá bất khả thi, mang tính chất không thể ghi điểm ở vòng thi đòi hỏi tính toán nhanh, nhất là các thí sinh lại dễ bị căng thẳng vì đây là trận Chung kết năm.