HHT – Bạn Nguyễn Quốc Nhật Minh, lớp 12C2A trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku) đã xuất sắc mang cầu truyền hình Chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia lần thứ 24 về với tỉnh Gia Lai. Đây không chỉ là sự kiện mang tính trí tuệ mà còn góp phần quảng bá hình ảnh bản sắc văn hóa, du lịch của địa phương.
Chiến thắng vòng thi Quý với số điểm ấn tượng 250 điểm, nam sinh Nguyễn Quốc Nhật Minh đã thành công mang cầu truyền hình đầu tiên về tỉnh Gia Lai. Trận Chung kết được mong đợi nhất chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 24 sẽ là cuộc so tài đầy kịch tính giữa 4 chàng trai đến từ Phú Yên, Gia Lai, Thừa Thiên Huế và Hà Nội. Với sự thể hiện xuất sắc qua các vòng thi, Nguyễn Quốc Nhật Minh, đại diện của Gia Lai, hứa hẹn sẽ là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch.
Nguyễn Quốc Nhật Minh, lớp 12C2A trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku). |
Cầu truyền hình Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 24 diễn ra 8h30 ngày 13/10 tới đây trong sự đón đợi nồng nhiệt của người thân, thầy cô và cổ động viên tỉnh. Được biết, khu trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên” – Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku) là địa điểm được lựa chọn làm nơi tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp Olympia 24 tại tỉnh Gia Lai.
Khu trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên” – Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku) là nơi tổ chức cầu truyền hình trực tiếp Olympia 24 tại tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Bi Ly) |
Theo đánh giá của Ban sản xuất chương trình, vị trí này phù hợp và thuận lợi cho học sinh, nhà trường, phù hợp với mục tiêu của chương trình. Không gian mang đậm dấu ấn của văn hóa Gia Lai. Diện tích đủ rộng để số lượng lớn học sinh và khán giả đến xem và cổ vũ cho Nhật Minh.
Đây cũng là sự kiện cầu truyền hình trực tiếp Chung kết Olympia lần đầu tiên được tổ chức tại Gia Lai nên chọn Quảng trường Đại Đoàn kết sẽ có hiệu ứng lan tỏa tích cực, phù hợp với quy mô sự kiện. Ban sản xuất cũng đã xác định chủ đề, xây dựng kịch bản cho cầu truyền hình trực tiếp với quy mô dự kiến có sự tham gia của khoảng 3.500 học sinh.
Quảng trường Đại Đoàn Kết được hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2012, có tổng diện tích 10,6 ha, gồm các hạng mục: Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”, bộ cồng chiêng, đền thờ Bác Hồ, mô hình núi Hàm Rồng, Thạch thư, tháp đá… nằm trong quần thể các công trình: Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, Bảo tàng cổ vật, Bảo tàng Gia Lai. Phần sân có diện tích hơn 23.000m2, với hơn 2.000 cây xanh và 205 ô cỏ, bảo đảm cho những sự kiện tập trung hơn 50.000 người trong cùng thời điểm. Suốt hơn 10 năm qua, Quảng trường trở thành điểm hẹn quen thuộc cho người dân và du khách khi ghé thăm Gia Lai.