Kim Soo Hyun, từng là sinh viên của Đại học Chung-Ang trường đại học danh tiếng nhất Hàn Quốc trong lĩnh vực sân khấu và điện ảnh. Và là một ngôi sao hạng S của ngành giải trí Hàn Quốc. Không bất ngờ khi anh cho thấy khả năng kiểm soát hình ảnh và câu chuyện của mình một cách khéo léo. Khi biến cuộc họp báo công khai của mình thành một “bộ phim điện ảnh”. Hãy xem cách nam diễn viên thực hiện nó như thế nào.
Toàn bộ họp báo của Kim Soo Hyun
Trước tiên, đây là một cuộc họp báo không phỏng vấn chứ không phải buổi trao đổi trực tiếp. Một số người cho rằng Kim Soo Hyun né tránh đối chất vì chưa chuẩn bị kịch bản khác, nhưng thực tế không phải vậy. Anh đã khéo léo dẫn dắt mọi người vào một không gian giống như rạp chiếu phim, nơi bộ phim vẫn tiếp tục diễn ra mà khán giả không thể can thiệp – hay nói cách khác, họ chỉ có thể quan sát ở trạng thái tĩnh.
Tại sao điều này quan trọng trong điện ảnh? Bởi vì nó khiến khán giả hoàn toàn đắm chìm vào thế giới của bộ phim, nơi mọi thứ diễn ra trên màn ảnh mà không bị gián đoạn bởi thực tế bên ngoài. Khác với khi xem phim ở nhà, nơi người xem có thể tạm dừng để ăn uống hay làm việc riêng, trải nghiệm trong rạp chiếu phim giúp duy trì sự tập trung liên tục.
Quan trọng hơn, cách tiếp cận này giúp các nhà làm phim đưa khán giả vào trạng thái “thôi miên”, khiến họ tin vào câu chuyện trên màn ảnh, dù thực chất đó chỉ là một sự tái hiện hiện thực có chủ đích. Chính vì vậy, bất kỳ ai có khả năng phá vỡ hiệu ứng này đều bị phía Kim Soo Hyun loại khỏi cuộc họp báo một cách dứt khoát.

Thủ thuật này còn giúp Kim Soo Hyun tạo ra sự đồng cảm theo cách mà đạo diễn Robert Bresson từng sử dụng trong bộ phim Pickpocket. Trong phim, Bresson không đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau mà chỉ tập trung vào góc nhìn của kẻ móc túi. Dù nhân vật này rõ ràng là một kẻ phạm pháp, nhưng qua cách kể chuyện đầy chủ đích, khán giả càng dõi theo lâu càng cảm thấy thấu hiểu và thậm chí đồng cảm với hắn.
Bằng cách đó, Kim Soo Hyun đã khéo léo dẫn dắt cuộc họp báo theo một hướng duy nhất, khiến khán giả bị cuốn vào dòng chảy của câu chuyện mà anh muốn truyền tải, thay vì để họ bị phân tâm bởi những yếu tố bên ngoài.
Đó chính là lý do tại sao Garosero bị chặn. Trong điện ảnh, lời thoại không quan trọng bằng phản ứng mà nó tạo ra. Nếu Garosero tiếp tục phát sóng trực tiếp và đưa ra phản ứng theo thời gian thực, buổi họp báo của Kim Soo Hyun sẽ mất đi hiệu ứng mà anh mong muốn. Việc này có thể làm thay đổi cảm xúc mà khán giả cảm nhận được từ màn trình diễn của anh.
Nhận thức rõ sức ảnh hưởng của yếu tố này, đài KBS đã quyết định chặn Garosero, đảm bảo rằng không có yếu tố bên ngoài nào làm gián đoạn hoặc thay đổi cách khán giả tiếp nhận câu chuyện.

Tiếp theo hãy chú ý đến cách đặt máy quay trong buổi họp báo. Góc máy được sử dụng mang tính chủ quan, với góc quay cao hơn so với người phát biểu, khiến họ trông nhỏ bé hơn. Điều này vô tình tạo ra cảm giác lép vế, yếu thế cho nhân vật trung tâm.
Hậu cảnh cũng đóng vai trò quan trọng. Phông nền xám tạo bầu không khí u buồn, trong khi trang phục của Kim Soo Hyun thuộc cùng tông màu, khiến anh như hòa lẫn vào khung cảnh, làm tăng thêm cảm giác cô lập. Đây là một thủ thuật thị giác tinh tế, giúp khơi gợi sự thương cảm từ người xem.
Ngoài ra, quay phim còn sử dụng những cú cận cảnh để đặc tả cảm xúc của Kim Soo Hyun, nhấn mạnh sự căng thẳng, tổn thương hoặc suy tư trong ánh mắt và biểu cảm của anh, từ đó khiến khán giả càng thêm đồng cảm.
Cách kể chuyện của Kim Soo Hyun trong buổi họp báo được sắp đặt vô cùng tỉ mỉ nhằm tối đa hóa sự đồng cảm từ khán giả.
Anh mở đầu bằng cách đi thẳng vào vấn đề, nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi, khéo léo tạo dựng hình ảnh một con người có trách nhiệm. Tuy nhiên, điểm đắt giá nhất trong phần mở đầu chính là việc anh thừa nhận mình từng hèn nhát, luôn lo sợ mất đi những gì đang có nên đã chọn cách trốn tránh, phủ nhận và im lặng.

Cúi đầu xin lỗi và nhận mình là kẻ hèn nhát ngay mở đầu
Tại sao điều này xuất sắc? Vì nó kéo anh xuống khỏi vị thế một ngôi sao và khiến mọi người nhìn nhận anh như một con người bình thường. Ngay lập tức, thông điệp ngầm được gửi đi: “Tôi cũng giống các bạn” – dù thực tế không phải vậy. Đây chính là một thủ thuật storytelling kinh điển, đúng chuẩn sách giáo khoa Save The Cat, một kỹ thuật xây dựng nhân vật trong kịch bản phim. Ở phần Set up với “6 tật cần đánh bật”, “người anh hùng” được giới thiệu cùng những thiếu sót, khiến khán giả có lý do để mong chờ và đồng cảm với nhu cầu thay đổi của anh.
Tiếp theo, anh không quên áp dụng một thủ thuật khác đúng như tên sách: Save The Cat. Thủ thuật này giúp nhân vật, dù có nhiều khuyết điểm, vẫn có lý do để được yêu mến bởi một hành động tử tế quên mình. Kim Soo Hyun kể rằng anh đã hành động như “ngôi sao Kim Soo Hyun” thay vì “con người Kim Soo Hyun”, một sự hy sinh để không ảnh hưởng đến Queen of Tears. Điều này biến anh thành một người đặt lợi ích chung lên trên cái tôi cá nhân.
Cuối cùng, kết thúc buổi họp báo (hay câu chuyện) anh cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ của mình: từ một kẻ yếu thế, anh học được bài học phải sống như “con người Kim Soo Hyun”, anh đứng lên phản kháng, đệ đơn kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại lên đến 12 tỷ won.

Toàn bộ chiến lược kể chuyện này thực sự chuẩn chỉnh theo công thức xây dựng nhân vật kinh điển: một nhân vật gặp vấn đề, đối diện với thiếu sót cá nhân, học được bài học quan trọng và vươn lên thành công. Một màn trình diễn không chỉ là họp báo, mà chẳng khác nào một kịch bản phim hoàn hảo của chính Kim Soo Hyun.
Dù chiến lược kể chuyện của Kim Soo Hyun trong buổi họp báo được sắp đặt tinh vi và có phần xuất sắc, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ và không hoàn toàn tin tưởng. Điều này không chỉ đến từ những thông tin trước đó mà còn xuất phát từ chính các yếu tố thị giác ngay trong buổi họp báo.
Để hiểu rõ lý do, trước tiên cần nắm vững một nguyên tắc quan trọng trong việc tạo sự đồng cảm trong câu chuyện – dù đó là phim ảnh, tiểu thuyết hay văn học, đó là “tính người”. Nghĩa là hành động của nhân vật phải có logic con người, phản ánh cách con người thực sự suy nghĩ và hành động trong hoàn cảnh tương tự.
Nhiều bộ phim Việt Nam từng khiến khán giả phải bật thốt lên: “không ai làm vậy ngoài đời” – chính vì chúng vi phạm nguyên tắc này. Nếu khán giả không thấy được sự chân thực trong hành động của nhân vật, dù kịch bản có xuất sắc đến đâu, họ sẽ không thể đồng cảm.

Vậy Kim Soo Hyun đã vi phạm “tính người” ở đâu?
Điểm đầu tiên khiến chiến lược kể chuyện của Kim Soo Hyun mất đi sự thuyết phục chính là nhịp điệu diễn xuất và khả năng ứng tác.
Knet thậm chí đã thử ghép cảnh anh khóc trong buổi họp báo với nhạc phim Queen of Tears, và điều đáng nói là nó khớp đến kinh ngạc. Dù đây chỉ là một cách chế giễu, nhưng nó vô tình làm lộ ra một vấn đề cốt lõi: Kim Soo Hyun không phải một diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp mà chỉ là một ngôi sao truyền hình.
Diễn xuất trong phim truyền hình thường dựa nhiều vào thoại và biểu cảm cường điệu, chịu ảnh hưởng từ phong cách sân khấu. Trong khi đó, điện ảnh đòi hỏi sự tự nhiên, tinh tế hơn trong từng cử chỉ, tư thế, và hành động. Chính vì vậy, màn thể hiện của Kim Soo Hyun, từ cách khóc đến cách trả lời cứng nhắc theo kịch bản, với từng nhịp ngắt nghỉ thiếu tự nhiên và có phần quá chính xác, khiến khán giả có cảm giác không thực, như đang xem một bộ melodrama. Nói cách khác, điều này làm mất đi tính đời sống, yếu tố quan trọng để khán giả thực sự đồng cảm với một câu chuyện.

Thứ hai, lớp makeup cũng góp phần tạo nên sự thiếu tự nhiên trong buổi họp báo.
Hóa trang kỹ lưỡng, trang phục chỉnh chu, cùng ánh sáng nhu hòa (soft light), tất cả những yếu tố này đều mang phong cách lãng mạn cổ điển của điện ảnh Hollywood thời kỳ hoàng kim. Dù điều này giúp tôn lên vẻ đẹp của các ngôi sao, nhưng nó cũng mang một hạn chế lớn: thiếu tính hiện thực.
Trong trường hợp của Kim Soo Hyun, việc lớp makeup vẫn hoàn hảo sau 30 phút khóc liên tục khiến khán giả có một cảm giác thiếu tự nhiên không thể giải thích được.

Lớp makeup hoàn hảo của Kim Soo Hyun
Thứ ba, một điểm không kém phần quan trọng dù không liên quan đến tính người. Đó là dù ý đồ tạo ra không gian kể chuyện như một rạp chiếu phim của đội ngũ Kim Soo Hyun là đáng khen, nhưng nó không phù hợp với thời đại.
Khán giả của anh không ngồi trong rạp chiếu phim mà đang theo dõi qua màn hình nhỏ, ở một môi trường nơi họ có thể bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác – tin tức, bình luận mạng xã hội, hoặc thậm chí là những công việc cá nhân đang diễn ra song song.
Chính vì vậy, hiệu ứng “thôi miên” mà điện ảnh có thể tạo ra trong không gian khép kín của rạp chiếu phim không còn tác dụng mạnh mẽ khi buổi họp báo diễn ra trên nền tảng số. Thay vì khiến khán giả bị cuốn vào câu chuyện, nó vô tình làm lộ ra sự “sắp đặt” quá mức, khiến nhiều người cảm thấy buổi họp báo giống một màn trình diễn hơn là một khoảnh khắc của sự thật.