HHT – Bắt đầu từ năm học 2024 – 2025, danh hiệu Học sinh Tiên tiến sẽ không còn được sử dụng. Hình thức xếp loại Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém cũng được thay đổi. Nhiều ý kiến cho rằng thay đổi này sẽ đem lại nhiều tác động tích cực đến cả tâm lý và động lực học tập của teen.
Theo Bộ GD&ĐT, từ năm học này, đối với môn học đánh giá bằng nhận xét sẽ có 2 mức: Đạt, Chưa đạt; những môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số sẽ được đánh giá theo một trong bốn mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt. Không chỉ thay đổi ở việc xếp loại học lực mà danh hiệu học tập của học sinh cấp THCS và THPT từ năm học này cũng không còn danh hiệu Học sinh Tiên tiến, chỉ còn hai danh hiệu: Học sinh xuất sắc và Học sinh Giỏi.
Việc bỏ danh hiệu Học sinh Tiên tiến đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía giáo viên, học sinh và phụ huynh. Bạn Lai Thiên Thiên (sinh viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: “Từ góc độ của người làm giáo dục, quy chế đánh giá, xếp loại mới sẽ giảm thiểu áp lực điểm số cho học sinh và đánh giá toàn diện đến quá trình học tập của các bạn. Việc chủ động thay đổi quy chế giúp hạn chế những áp đặt điểm số hay chạy theo thành tích. Học sinh sẽ có động lực học tập từ kết quả đánh giá quá trình”.
Tuy nhiên, Thiên Thiên cũng lo lắng việc phụ huynh và học sinh vẫn có thể hiểu sai tinh thần của quy chế đánh giá, xếp loại mới. Rất có thể, học sinh vẫn sẽ bị đặt nặng áp lực “chạy theo” thành tích để đạt được mức xếp hạng cao nhất.
Bạn Xuân Như (sinh viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM) cho rằng quy chế mới sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực: “Về tâm lí, nhiều phụ huynh kỳ vọng con mình phải đạt vị trí tốt nhất nên việc bỏ xếp loại sẽ giúp các em đỡ áp lực trong việc học. Về phương pháp, việc chia ra 2 mức độ Đạt hoặc Chưa đạt sẽ giúp học sinh nhận biết rõ ràng mình đã đạt yêu cầu hay chưa, từ đó xác định được những kế hoạch học tập rõ ràng, cụ thể để đạt được mục tiêu”.
Phương thức đánh giá mới được kỳ vọng sẽ hỗ trợ teen giảm tải áp lực học tập. |
Từ phía phụ huynh, cô P.Uyên (Quận 3, TP.HCM) cho biết cô ủng hộ thay đổi tên gọi các mức đánh giá. “Thay vì gọi “giỏi, khá, trung bình, yếu, kém” thì gọi là “tốt, khá, đạt và chưa đạt” lại có tác động tích cực hơn về mặt tâm lý” – cô chia sẻ.
Đánh giá về những thay đổi trên, nhiều giáo viên cho rằng, không chỉ học sinh, mỗi phụ huynh cũng đều cần làm quen với các tiêu chí đánh giá mới. Việc làm quen này không chỉ thay đổi từ cách gọi tên, mà còn thay đổi tư duy nhìn nhận về cách đánh giá. Thay vì chỉ chăm chăm vào mục tiêu cao nhất là “Học sinh Xuất sắc”, cần bắt đầu từ các tiêu chí đơn giản nhất là “Đạt” và “Chưa đạt” để cả học sinh và phụ huynh có thời gian thích nghi.
Tiêu chí đánh giá mới cũng là lúc các thầy cô có thể thay đổi cách nhận xét để góp phần giúp teen có thêm động lực học tập. |