HHT – “Giờ là lúc nhìn lại, xem một năm cũ đã qua”, các supergirl “miền núi chất” đã tự tin khoe cá tính và chinh phục loạt thành tích từ Á sang Âu như thế nào nè mấy ní ơi!
“Đem chuông đi đánh xứ người” cùng biệt đội supergirl
Dưới sự hướng dẫn của cô Tô Thị Như Quỳnh (giáo viên trường THPT số 3, Lào Cai), cô Nguyễn Thị Bích Ngọc và thầy Cao Văn Mạnh (giáo viên trường THCS Lê Quý Đôn, Lào Cai), các nữ “siêu anh hùng” học đường Lào Cai đã không ngại bung skill qua các dự án khủng.
Nổi bật trong số các dự án của teen là máy phiên dịch thông minh giúp người khiếm thính và khiếm thanh giao tiếp dễ dàng hơn bằng cách chuyển đổi giữa ngôn ngữ ký hiệu, chữ viết và giọng nói; đến máy đọc sách, mang đến cơ hội tiếp cận thông tin cho người khiếm thị. Và sau cùng là máy tính thông minh điều khiển bằng khuôn mặt và giọng nói, giúp người khuyết tật vận động tương tác với máy tính một cách tự nhiên.
Sau “1.001” ngày nghiên cứu chẳng ngơi nghỉ, các bạn đã rinh về cả kho thành tích không đếm xuể như tấm huy chương Vàng cùng hai giải Đặc biệt cuộc thiSáng chế Quốc tế tổ chức tại Toronto (Canada), huy chương Vàng cuộc thiKhoa học kỹ thuật quốc tế dành cho thanh thiếu niên tổ chức tại Bali (Indonesia), huy chương Bạc cuộc thi Đổi mới giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật tổ chức tại Malaysia và huy chương Vàng cùng hai giải Đặc biệt cuộc thi Sáng chế và đổi mới tổ chức tại Paris (Pháp).
Tự tin flex cuốn hộ chiếu với đầy các dấu mộc đỏ từ Đông sang Tây, bạn Nguyễn Thị Quỳnh Anh (lớp 9A, trường THCS Lê Quý Đôn, Lào Cai) cùng hội cạ cứng đã check-in nhiều quốc gia khi mới vừa 14 tuổi.
“Em xinh” vượt ngàn chông gai, làm nghiên cứu chẳng sợ sai
“Trong một lần được thầy cô giao bài tập tìm hiểu khó khăn của người yếu thế, chúng mình được truyền cảm hứng từ một bạn học sinh khuyết tật. Bạn không nghĩ bản thân thiệt thòi và luôn cố gắng hoà nhập với cuộc sống” – Trần Huyền Trâm (lớp 12A5, trường THPT số 3, Lào Cai) chia sẻ.
Khi bắt tay vào làm, đằng sau mỗi sản phẩm là cả một hành trình dài của nhóm từ việc tìm hiểu về nhu cầu thực tế của người khuyết tật, mày mò các loại mạch điện, loay hoay tìm vật liệu, học cấp tốc thủ ngữ (ngôn ngữ ký hiệu) để giao tiếp khi thử nghiệm thiết bị.
“Chúng mình còn chú ý đến từng cử chỉ, cảm xúc để không làm các khuyết tật bất tiện hay khó chịu. Nhờ đó, các bạn không chỉ học tập dễ dàng hơn mà còn tự tin tiếp cận và sử dụng công nghệ 4.0 mà chẳng ngại một sự phân biệt hay rào cản vật lí nào,” – bạn Nguyễn Gia Nhi (lớp 9A, trường THCS Lê Quý Đôn, Lào Cai) tự hào.
Để “hô biến” thành công một số thiết bị, chúng mình gặp chẳng ít chông gai như khi thực hiện dự án máy vi tính thông minh điều khiển bằng khuôn mặt và giọng nói dành cho người khuyết tật, chỉ cần khuôn mặt cử động nhẹ là con chuột đã di chuyển theo, gây khó khăn cho người sử dụng.
“Nghĩ ngay đến chức năng điều khiển bằng giọng nói, tụi mình không ngại hỏi mà luôn tìm sự trợ giúp của thầy cô. Dù còn nhỏ nhưng chúng tớ “có võ” đó nha vì sau “7749 ngày”, nhóm đã lập trình code để tích hợp cả hai chức năng trên một thiết bị,” – bạn Nguyễn Đăng Minh Quân (lớp 7B, trường THCS Ngô Văn Sở, Lào Cai) tiết lộ.
Vững bệ phóng cho “bước nhảy” mùa Xuân
Nhiều người vẫn còn quan niệm rằng con gái thì thường chọn những môn như Văn, Sử, Địa, còn con trai nên học Toán, Lí, Hóa. Nhưng các “nữ chiến binh” tụi mình thích học Khoa học, Kỹ thuật vì muốn được phát hiện ra những điều mới lạ qua các thí nghiệm, đồng thời cũng thích viết Văn, thích vẽ tranh nữa. Vậy tại sao lại phải chọn một trong hai?
Bạn Đinh Ngọc Minh Châu (lớp 9E, trường THCS Lê Quý Đôn, Lào Cai) bộc bạch: “Con nít mới chọn một, còn tụi mình thì có cả EQ để viết Văn lẫn IQ để giải Toán. Nhờ vậy, chúng mình làm quen nhanh hơn khi viết báo cáo sao cho logic nhưng vẫn giữ được cảm xúc mà cả team dành cho dự án. Điều đó cũng truyền cảm hứng tới các teen, đặc biệt những bạn nữ sinh rằng chỉ cần đam mê, có tình yêu với cộng đồng thì teen sẽ thúc đẩy cuộc sống của mọi người xung quanh mình thuận tiện, dễ dàng hơn”, Minh Châu nói thêm.
Cô Như Quỳnh chia sẻ: “Ở Lào Cai, nhiều nữ sinh phải tạm ngưng việc học vì điều kiện của gia đình. Nhà trường và thầy cô đã tìm cách hỗ trợ để các bạn tiếp tục thực hiện ước mơ. Nhưng quan trọng nhất là các bạn dám dấn thân, dám thử sức và dám vượt ra khỏi vùng an toàn. Biết đâu mình lại tìm thấy sự an toàn hơn thế ở vùng đất mới, lĩnh vực mới”.
Năm 2025 đến rồi, các nữ siêu anh hùng tụi mình đã lựa được cuốn sách nào, chốt được ý tưởng nào để “chiến” hết mình trong năm mới chưa? Nếu chưa, bạn Đặng Bảo Quyên (lớp 10A1, trường THPT số 3, Lào Cai) bật mí: “Mình tâm đắc nhất là cuốn sách “Biệt đội khoa học nấp ở đâu?”. Bởi sách nói về việc ứng dụng khoa học vào 12 nghề nghiệp trong cuộc sống”.
Các bồ còn chần chờ gì mà không lập ngay một biệt đội siêu ngầu để vừa rộn ràng đón Xuân sang, vừa freestyle làm điều mình thích ngay thôi nào!