25 tuổi, Lu Diệu Huy (SN 1999, TP.HCM) đỗ học bổng toàn phần Tiến sĩ Giáo dục và Tâm lý Giáo dục.
Trong bài chia sẻ về việc đỗ chương trình Tiến sĩ của ngành học “dữ dằn” này, Lu Diệu Huy cười rất tươi, đúng chuẩn vibe của chàng trai chữa lành, hay hình tượng bạn thường thấy ở một “học bá” trong truyện ngôn tình bước ra.
Đứng trước chặng đường mới trong cuộc đời, Huy viết đầy tự hào: “Thay vì chỉ hâm mộ nền giáo dục ở nước bạn thì nay mình quyết định học Tiến sĩ Giáo dục để mang những tinh tuý, tốt nhất trên thế giới về cho con người Việt Nam.
Ngành mình học là Education and Human Development (Giáo dục và Phát triển con người). Mình muốn phát triển bản thân và hơn hết mình muốn đưa đất nước Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh hơn”.
Lu Diệu Huy (SN 1999, TP.HCM)
– Cử nhân Quản trị Kinh doanh Quốc tế (ĐH Tôn Đức Thắng + ĐH Khoa học và Công nghệ Long Hoa, Đào Viên, Đài Loan, Trung Quốc).
– Thạc sĩ Giáo dục về Học tập và Giảng dạy.
– Nghiên cứu sinh chương trình Tiến sĩ Giáo dục và Phát triển Con người.
Nghe ba mẹ chọn học ngành “kiếm nhiều tiền” hoá ra trật hướng
Đằng sau danh xưng Nghiên cứu Sinh Tiến sĩ Giáo dục và Tâm lý Giáo dục, có rất nhiều điều thú vị ở chàng trai GenZ này mà ít người biết được.
Đầu tiên là về cái tên độc lạ. “Thật ra lúc nhỏ mình không ấn tượng với cái tên của mình. Vì tên có chút đặc biệt, khi có chữ Diệu bên trong, nữ tính quá! Hồi xưa mình hay bị trêu là có tên dành cho các bạn nữ.
Khi dùng MXH, mình vẫn dùng cái tên này. Nhưng rắc rối lại đến với họ Lu. Nhiều người cho rằng mình đi du học, cố tình bỏ dấu ra nghe trông… “Tây” hơn. Nhưng không phải, họ thực sự của mình là vậy. Khi trưởng thành hơn, mình càng tự hào về cái tên của mình”, Huy tâm sự.
Hành trình chuyển hướng sang học Giáo dục cũng đầy bất ngờ với chính bản thân Huy.
Anh chàng vốn xuất thân học ngành Kinh doanh Quốc tế tại ĐH Tôn Đức Thắng. Đến năm 3, trường có chương trình liên kết với một trường đại học ở Đài Loan (Trung Quốc). Sau khi học xong, anh chàng có thể nhận được bằng tốt nghiệp ngành Kinh tế, sau đó chuyển sang học chương trình cao học ngành Giáo dục luôn.
“Hồi xưa mình học Kinh doanh Quốc tế vì chưa biết định hướng sẽ làm gì. Nghe tên ngành có kinh doanh là kiếm ra tiền, còn có cơ hội ra quốc tế, mở rộng được nhiều mối quan hệ. Mình nghe vậy nên theo ba mẹ đăng ký học ngành này”, Huy nhớ lại.
Mọi suy tính đều bị trật hướng, khi Huy nhận ra đam mê và biết bản thân muốn gì.
Trong suốt quá trình học, Huy có cơ hội tham gia nhiều hoạt động xã hội, giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như trẻ mồ hôi, hay sống trong viện… “Mình cảm thấy giáo dục là điều cốt lõi trong tất cả lĩnh vực. Mình muốn học vì các bạn ấy, để giúp giáo dục Việt Nam ngày một hoàn thiện hơn. Tất nhiên một mình không thể thay đổi được toàn bộ, nhưng ít nhất với những bạn mà mình quen, sẽ có điều kiện học tập tốt hơn”, Huy tiếp lời.
Diệu Huy từng xây dựng dự án giáo dục để hỗ trợ cho các trẻ em ở nhiều làng trẻ như Mái Ấm Tâm Đức, Làng trẻ SOS Việt Nam,… Trong những lần trở về Việt Nam, anh chàng thường dành 1-2 tháng để dạy học, hay xây dựng dự án quyên góp từ thiện, mua đồ dùng học tập cho các em học sinh. Đó cũng là động lực thôi thúc anh chàng gắn bó nhiều hơn với việc học Giáo dục.
Nỗ lực học tập suốt 4 năm để có được tấm bằng Kinh tế, nhưng rồi lại đột ngột chuyển sang trái ngành. Huy có tiếc không? Câu trả lời là: Không!
Với anh chàng, mọi sự đến trong cuộc đời đều có lý do nào đó. Cả quyết định chuyển ngành cũng vậy. “Những điều mình học trong Kinh tế vẫn có thể áp dụng được trong môi trường giáo dục. Ví dụ, mình áp dụng thống kê tính toán, khả năng xây dựng, giao tiếp… trong kinh doanh, để chuyển sang cho quản lý giáo dục. Tưởng không liên quan, nhưng vẫn có sự kết hợp trong đó đấy”, Huy tâm sự.
Khi quyết định chuyển ngành, một trong những rào cản mà Huy nhận được nhiều nhất là: Đang học Kinh doanh có cơ hội kiếm tiền tốt, vì sao lại nhảy sang lĩnh vực khác? Với Huy, việc phải đi làm một công việc không phải đam mê “không khác gì cực hình vậy”.
Anh chàng tâm sự: “Khi mới chuyển ngành, nhiều người đánh giá tiêu cực về quyết định của mình vì luôn nghĩ kinh doanh sẽ kiếm tiền nhanh hơn. Tuy nhiên, mỗi người lại có định nghĩa riêng về hạnh phúc. Cho mình làm kinh doanh sẽ như “bắt con cá leo cây” vậy. Mình không cố gắng chạy theo số đông. Mình biết bản thân phù hợp với điều gì và cảm thấy hạnh phúc”.
Ngày nay, nhiều bạn trẻ chọn học Thạc sĩ khi… không biết phải làm gì tiếp theo. Học hết Thạc sĩ rồi lại học lên cao là Tiến sĩ, nhưng rồi hết cấp bậc học thì biết phải làm gì? “Sao học hoài vậy, không thấy lo đi làm kiếm tiền, ổn định cuộc sống” – Là định kiến mà không ít phụ huynh đánh giá khi thấy con cái của mình cứ chăm chăm đi học, còn sự nghiệp thì vẫn chưa bắt đầu.
Ở tuổi 25, Diệu Huy cũng ở trên con đường học mãi đó. Anh chàng hoàn thành bậc Thạc sĩ, và sau đó là lên Tiến sĩ. Nhưng vì sao Diệu Huy luôn kiên định được với quyết định “học mãi” này vậy? Nhìn bạn bè kiếm tiền, trong khi bản thân vẫn đang đi học, có bao giờ Huy sốt ruột không?
Bởi anh chàng biết bản thân mình muốn gì và muốn trở thành ai. Diệu Huy có ước mơ lớn là đi học những gì tốt nhất của giáo dục quốc tế, sau đó đem những kiến thức đó về Việt Nam giảng dạy, trở thành “anh giáo” tử tế và giỏi giang trong mắt học sinh.
Còn về kiếm tiền báo hiếu cha mẹ thì sao? Diệu Huy nhận được học bổng toàn phần nên đã đỡ đi rất nhiều chi phí khi du học. Thời gian rảnh, anh chàng từng đi dạy part-time cho… 5 trường! Số tiền này cũng được Huy gửi về đều đặn cho gia đình, và cũng là cách ngầm thể hiện cho ba mẹ biết anh chàng vẫn đang đi đúng hướng trên hành trình của mình.
Việc người trẻ FOMO, không biết bản thân thích và hạnh phúc với điều gì cũng là một trong những điều Huy trăn trở. Anh chàng nhận thấy có rất nhiều học sinh cấp 3 không biết bản thân thích và giỏi điều gì, nên chọn những con đường không như mong muốn. Và nếu có thể đưa ra lời khuyên, thì đó chính là: “Mọi quyết định thì không có đúng hay sai, chỉ là khi đã quyết định lựa chọn rồi thì sẽ cố gắng hết mình và có trách nhiệm đến cùng với nó”.
25 tuổi đã cảm thấy cực kỳ hạnh phúc, vì 2 chữ!
Một chàng trai có gương mặt hiền lành và dễ đem lại thiện cảm. Đặc biệt là trông Diệu Huy luôn rất hạnh phúc. Điều gì khiến chàng trai Gen Z này có tâm trạng bình thản trong cuộc sống như vậy?
Tất cả vỏn vẹn trong 2 từ: Biết – Đủ.
Suy nghĩ này đến với Huy sau một biến cố lớn trong quá khứ. Trước đây, Huy cũng là người có rất nhiều tham vọng, đặt ra mục tiêu trong tương lai phải đạt được này kia. Nhưng trong lần đi du học, đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và bà nội Huy qua đời, anh chàng không thể nào về kịp.
“Việc người thân qua đời khiến mình nhận ra nên sống chậm lại, dành thời gian bên mọi người thay vì cứ hối hả mãi. Khi đó dù có kiếm được bao tiền đi chăng nữa, cũng không kịp mua vé về bên gia đình”, Huy nhớ lại.
Sau khi xảy ra biến cố, Huy càng nhận ra bản thân muốn gì. Ước mơ về sự đủ đầy và thành công của anh chàng cũng thay đổi.
Huy tâm sự: “Mình chắc chắn trong cuộc sống này không bao giờ đủ được. Ví dụ mình có thu nhập 15-20 triệu/tháng, nhưng khi đạt được, mình sẽ mong cao lên 30-50 triệu/tháng. Nếu cứ chạy theo vật chất mãi như thế thì không bao giờ cảm thấy đủ và hạnh phúc.
Mình có quan niệm là sống trong hiện tại, lỡ ngày mai không còn được sống nữa thì cứ… tính cho hôm nay đã. Mình không suy nghĩ quá nhiều cho tương lai rằng sẽ kiếm được bao nhiêu và ở vị trí nào. Mình chỉ cố gắng trong hôm nay để không có gì tiếc nuối, báo hiếu được cho gia đình, đối xử tử tế với những người xung quanh. Vậy là ok rồi!”.
Có lẽ chính vì có suy nghĩ này nên trông Lu Diệu Huy lúc nào cũng thanh thản và hạnh phúc với những gì đang có. Vào thời gian rảnh, anh chàng thường đạp xe, đi dạy học và giúp đỡ người già… Có lẽ vì “toả ra” năng lượng tích cực này nên Huy cũng nhiều lần được người lạ chủ động bắt chuyện hay làm quen khi đi trên đường, bước vào quán ăn.
Nói như vậy, không phải là Diệu Huy không có những áp lực riêng.
Khi mới chuyển sang học Giáo dục, anh chàng từng cảm thấy vô cùng bất lực vì không có nền tảng kiến thức sẵn. Huy cũng học với nhiều người bạn ngoại quốc, cách dạy và học hoàn toàn khác với những gì anh chàng biết trước đây. Anh chàng chọn cách đối mặt bằng việc đăng ký thêm các khoá học online, tự học tài liệu, đọc báo quốc tế để hiểu thêm những gì giảng viên chia sẻ.
“Khó khăn hay không phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Mỗi khi có điều khó, mình sẽ tự hỏi điều này kéo mình xuống đáy, hay cho mình cơ hội khác. Mình cứ vượt qua khó khăn từng chút một bằng cách tự học hỏi và phát triển bản thân, trở nên tốt hơn mỗi ngày. Cuộc sống ngắn mà, mình không tự đánh gục bản thân thì không ai hạ gục mình được”, Huy nói.
Chia sẻ về ngành đang học ở bậc Tiến sĩ, Diệu Huy cho biết mình đang nghiên cứu sâu về lĩnh vực tổn thương tâm lý của các bạn học sinh, sinh viên. Đây là một hướng tương đối khác, bởi trước đó anh chàng thấy nhiều tiền bối đã nghiên cứu về những đổi mới và phát minh trong giáo dục.
“Mục tiêu của mình là cố gắng để học sinh đến trường cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, từ đó dễ tiếp thu kiến thức mới hơn. Dự định sau này của mình là sẽ về Việt Nam giảng dạy. Mình muốn giữ ngọn lửa nhiệt huyết này để đóng góp cho giáo dục nước nhà, và trở thành một người tử tế trong xã hội”, Huy tâm sự.