Là thành viên trong nhóm châu Phi gắn bó với Quang Linh Vlogs suốt nhiều năm ở Angola, Đông Paulo (38 tuổi, quê ở Hưng Hà, Thái Bình) và cộng sự Phạm Bảo được nhiều người yêu mến bởi tính cách chân thực, giản dị, luôn quan tâm mọi người.
Hiện tại, ngoài làm trang trại, hỗ trợ người dân của các bản làng xa xôi ở Angola canh tác nông nghiệp, Đông Paulo và Phạm Bảo còn thường xuyên đăng tải video hướng dẫn nấu những món ăn đặc trưng ở Việt Nam như: Gà xào sả, gà kho nghệ, chè đỗ đen, xôi sắn, thịt kho tàu,…
Họ hi vọng những bữa ăn giản dị vừa giúp người bản địa có thêm năng lượng làm việc, vừa lan tỏa văn hóa ẩm thực độc đáo của quê nhà.
Trong video gần đây nhất được đăng tải trên kênh YouTube có hơn 880.000 lượt theo dõi của Đông Paulo, Phạm Bảo đã trổ tài chế biến một món ăn quen thuộc của người Việt nhưng còn rất xa lạ với người dân Angola. Đó là món khoai lang kén.
“Hôm nay mình có đem ít đồ vào đây để làm cho mọi người món khoai lang kén. Vì hiện tại ở trang trại có nhiều khoai lang nên mình tận dụng nguyên liệu sẵn có luôn, cũng như để quảng bá đến mọi người món ngon ở Việt Nam”, Bảo nói.
Người đàn ông này cho hay, ở trang trại hiện có hai giống khoai lang là khoai đỏ và khoai trắng. Cả hai loại đều có độ bở, thơm và đặc biệt là vị ngọt. Vì vậy, khi chế biến món ăn, anh không cần trộn thêm đường.
“Mình có mua đường nhưng chắc chắn sẽ không bỏ thêm đường vì khoai này ngọt lắm các bạn ạ. Lần này chiên lên thì mình sẽ bỏ đường ra ngoài đĩa, ai thích ăn ngọt hơn thì chấm thôi”, anh chia sẻ thêm.
Vì số lượng người dân làm việc tại nông trại khá đông nên Bảo sử dụng khoảng vài cân khoai. Anh tỉ mỉ rửa khoai cho sạch hết bùn đất rồi gọt vỏ, ngâm nước, giữ cho khoai không bị thâm và bớt nhựa.
Khoai sau khi sơ chế sạch được đem hấp trong chiếc nồi cỡ lớn. Cách làm này giúp khoai giữ được độ ngon và vị ngọt tự nhiên thay vì luộc kiểu truyền thống.
Khi khoai chín, Bảo dùng muôi tán thật nhuyễn rồi trộn thêm bột mì và nhào đều tay. Sau đó, anh nặn thành từng viên thon dài, cỡ bằng ngón tay cái. Vừa thoăn thoắt làm, anh vừa tỉ mỉ hướng vẫn và giới thiệu người dân cách chế biến món khoai lang kén.
“Mọi người chú ý nhìn tôi làm. Sau này, ai muốn ăn thì có thể làm theo nhé. Món này đơn giản, rất dễ làm. Khoai ngọt sẵn rồi nên không cần cho thêm đường cũng được”, Bảo chia sẻ.
Chàng trai người Việt nhấn mạnh thêm, khoai lang cũng là nguyên liệu quen thuộc của nhiều gia đình Angola ở nơi anh sống. Vì vậy, việc giới thiệu và hướng dẫn người dân làm món khoai lang kén kiểu Việt Nam sẽ giúp họ biết thêm một cách chế biến mới, cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Khoai sau khi tạo hình thành kén sẽ được đem chiên trong chảo ngập dầu. Dầu sôi mới cho khoai vào để tránh bị vỡ.
Những người dân châu Phi lần đầu biết đến món khoai lang kén ở Việt Nam đều không khỏi thích thú, đứng kín xung quanh và chăm chú xem cách làm. Ai nấy đều xuýt xoa khi mùi thơm từ món ăn tỏa ra.
“Món này phải ăn nóng mới ngon, chiên đến đâu ăn đến đấy”, Bảo vừa nói vừa mời mọi người thưởng thức khoai lang kén.
Vì món ăn vừa được chiên xong, còn nóng hổi đến nỗi “bỏng miệng” nên các thành viên người Angola không giấu nổi biểu cảm hài hước, liên tục phẩy tay, há miệng. Song ai nấy đều bày tỏ sự thích thú vì được thưởng thức món ngon lạ của người Việt Nam.
Khi được Bảo hỏi cảm nhận về món khoai lang kén, mọi người đều gật gù thể hiện sự hài lòng và nói đúng một từ: “Chapepa” (Tuyệt vời – theo tiếng Bồ Đào Nha). Điều này khiến chàng trai Việt thấy thích thú vì đã giới thiệu được thêm một món ăn Việt Nam tới người dân châu Phi.
“Ra cái nào là hết cái đấy mọi người ạ. Làm không kịp luôn”, Bảo hài hước bày tỏ.
Ảnh: Đông Paulo Vlogs – Cuộc sống ở châu Phi