3 cá nhân với 3 câu chuyện về sự khởi đầu và mục tiêu khác nhau nhưng từ lớp 10 đã cùng gặp gỡ và đồng hành trong lớp học THPT Công nghệ Quốc tế của Aptech, bắt tay và “nhào nặn” ra phần mềm trò chơi Game Over.
Nguyễn Huy Tuấn – cậu bạn lớp trưởng thông minh, lanh lợi.
Cao Khánh Linh – nữ nhi hiếm hoi trong lớp với giấc mơ cùng Lập trình vươn ra “biển lớn”.
Phạm Duy Anh – chàng trai tham vọng ứng dụng Lập trình vào mô hình kinh doanh tương lai của mình.
Có người đã từng nói “Nếu tất cả mọi người cùng nhau tiến về phía trước, thì thành công sẽ tự nhiên mà đến”. 3 cá nhân với 3 câu chuyện về sự khởi đầu và mục tiêu khác nhau nhưng từ lớp 10 đã cùng gặp gỡ và đồng hành trong lớp học THPT Công nghệ Quốc tế của Aptech, bắt tay và “nhào nặn” ra phần mềm trò chơi Game Over – một tổ hợp bao gồm nhiều game pixel, được giảng viên hướng dẫn nhận xét là “một ý tưởng rất ấn tượng trong một rừng ý tưởng về game đã quá đỗi nhàm chán”.
Chào Linh, Tuấn và Duy Anh! Các em có thể giới thiệu một chút về dự án của mình được không?
Tuấn: Sản phẩm của chúng em là một ứng dụng trò chơi có tên Game Over. Đây là một phần mềm tích hợp nhiều trò chơi khác nhau, cho phép người dùng có thể chơi được nhiều game trong cùng một nền tảng ứng dụng.
Linh: Hiểu đơn giản, Game Over là một ứng dụng “Tải 1 được 1+”. Bình thường nếu mọi người muốn chơi nhiều game thì sẽ phải tải từng game, rất tốn thời gian và dung lượng máy. Nhưng với phần mềm này thì chỉ cần tải một app là mọi người sẽ có cả một “gia tài” luôn!
Nguồn cảm hứng nào đã thôi thúc các em thực hiện dự án này?
Tuấn: Nguồn cảm hứng của em đến từ những trò chơi từ ngày nhỏ như Snake (Rắn săn mồi), Tetris (Xếp gạch) hay Mario. Vì vậy, khi xây dựng phần mềm này, chúng em chủ yếu sử dụng các game thùng pixel tuổi thơ với mong muốn làm sống lại một thời kỳ huy hoàng của game 8-bit. Chúng em hi vọng phần mềm sẽ giúp gợi lại một chút ký ức về những trò chơi này trong mỗi người dùng, tránh việc chúng bị rơi vào quên lãng và dần biến mất trên thị trường.
Duy Anh: Ngoài ra, chúng em cũng lấy ý tưởng về các nền tảng game như Garena Liên Minh, hay Game 24h. Đó là hệ thống có chứa nhiều game, nhưng lại là game của những nhà phát hành khác nhau. Còn với Game Over thì chúng em vừa là nhà phát hành, vừa là nhà phát triển game.
Quá trình thực hiện các em có gặp khó khăn gì không?
Tuấn: Có lẽ thời gian là bất cập duy nhất trong những ngày làm dự án – khi đó chúng em phải hoàn thành sản phẩm này chỉ trong vòng 3 tuần ngắn ngủi. Có những game rất đặc sắc nhưng lại mắc lỗi hệ thống, nên để đảm bảo phương án an toàn, chúng em đã quyết định không cho vào nữa để kịp thời gian nộp bài. Vì vậy, nếu có thêm thời gian thì nhóm em nhất định sẽ thêm một vài trò chơi và tính năng khác nữa để phần mềm được phong phú hơn.
Duy Anh: Em thấy khó nhất là phải đưa các game đó vào cùng một hệ thống. Vì trong đó có một số game khác hệ thống nên khi gộp lại dễ bị xung đột về luồng.
Linh: Bản thân em không cảm thấy khó khăn gì cả. Ngược lại, em thấy bọn em còn phối hợp rất nhịp nhàng và ăn ý. Với kinh nghiệm gần 2 năm làm việc nhóm chung với nhau, em rất hài lòng với sản phẩm của nhóm mình và không thấy nuối tiếc gì cả.
Có câu “Teamwork makes the dream work” (tạm dịch: Sức mạnh tập thể biến giấc mơ thành hiện thực), nhưng hiện nay có hiện tượng nhiều bạn trẻ không thích làm việc nhóm vì ngại khả năng phải “gánh team”. Vậy các em nghĩ thế nào về điều này – làm việc độc lập hay làm việc nhóm tốt hơn?
Duy Anh: Làm việc nhóm vẫn là tốt nhất! Những sản phẩm hay dự án lớn sẽ cần được xây dựng bởi nhiều ý tưởng, nên khi có nhiều người trong một nhóm, cùng đưa ra thật nhiều ý tưởng để phản biện và đóng góp cho nhau thì sẽ nâng cao được hiệu quả công việc. Hơn nữa, làm việc nhóm thì sẽ có người đi cùng mình, thôi thúc và tạo động lực cho mình làm việc, còn làm một mình chỉ có mình tự thúc mình mà thôi.
Linh: Theo em, làm việc nhóm hay làm việc cá nhân đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Làm một mình thì tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát của mình, nhưng sẽ mất khá nhiều nơ-ron thần kinh và thời gian để tập trung cho phát triển ý tưởng. Trong khi đó, làm việc nhóm sẽ giảm thiểu được rất nhiều công sức và tiền bạc, nhưng trường hợp mình không truyền tải được hết ý tưởng của mình khiến đồng đội làm sai thì lại là một vấn đề khác (cười). Nói chung mình nên cân đối giữa hai công việc này.
Được biết từ khi lớp 11 Linh đã trúng tuyển vị trí thực tập sinh PHP cho một doanh nghiệp phần mềm có tiếng. Là con gái, đặc biệt khi vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường và chỉ mới hoàn thành 2 kỳ học Lập trình tại Aptech, cơ duyên nào đã dẫn em đến với Lập trình và đạt được những thành công sớm như vậy?
Linh: Bạn thân cấp 2 chính là người đã dẫn em vào con đường “đam mê CNTT không lối thoát”, bắt đầu với bộ môn Pascal. Ngày đó em rất thích thú khi quan sát bạn thao tác – nhưng tất cả cũng mới dừng lại ở sự tò mò, chứ chưa có định hướng cụ thể. Chỉ đến khi nhìn thấy từ các mã lệnh đó vẽ ra được các hình đơn giản như hình chữ nhật, hình tam giác… em mới hoàn toàn bị thuyết phục bởi ý tưởng sử dụng Lập trình để điều khiển máy móc làm điều mình muốn.
Vậy còn Duy Anh, liệu Lập trình có phải là hướng đi mà em đã vạch ra cho bản thân ngay từ đầu không?
Duy Anh: Ngay từ nhỏ em đã có máu kinh doanh. Đến tận năm lớp 9 em vẫn có định hướng sẽ theo học ngành quản trị kinh doanh để phục vụ cho ước mơ của mình. Nhưng rồi em nhận ra bản thân lại chưa có những hình dung cụ thể về “đường đi nước bước”, và thế là em bắt đầu ngồi suy nghĩ và tự đặt cho mình câu hỏi “Khi mình nói mình thích kinh doanh, thì mình đang hình dung ra cái gì?”. Một quán ăn nhỏ, và rồi có gì trong đấy? Có bàn ghế, khách hàng, sản phẩm mình sẽ bán, và robot phục vụ. Robot. Đó giống như một “khoảnh khắc Aha” với em, khiến em nhớ lại về niềm vui tuổi thơ của mình.
Ngày bé, em rất thích chơi lego và lắp ráp, thậm chí đã từng mơ sẽ tự tay mình tạo ra những con robot, người máy phục vụ trong tương lai. Những con robot này không chỉ biết dọn dẹp, mang đến niềm vui cho thực khách mà sẽ trở thành chủ đề bàn tán khiến mọi người kéo về nhà hàng em đông hơn. Điều này khiến em phải suy nghĩ lại về ngành học tương lai và cuối cùng chương trình THPT Công nghệ Quốc tế ở Aptech là điểm đến mà em lựa chọn để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Là một lớp trưởng gương mẫu, ắt hẳn Tuấn đã yêu thích Lập trình từ trước khi đến với Aptech phải không?
Tuấn: Hẳn vậy rồi ạ! Em quyết định gửi gắm 3 năm THPT của mình ở Aptech vì lý do vô cùng đơn giản – em thích robot và để làm ra được robot thì tất nhiên phải học Lập trình.
Năm lớp 12 được coi là “năm bản lề” của suốt quãng thời gian đèn sách trên ghế nhà trường. Khi đó các em có dự định gì để chuẩn bị cho năm học này bên cạnh việc học Lập trình không?
Tuấn: Năm lớp 12 em dồn toàn lực vào các môn văn hóa để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi Đại học. Em có may mắn hơn các bạn đồng trang lứa một chút vì đã xác định tiếp tục theo đuổi Lập trình ở bậc học cao hơn, nên sẽ bớt vất vả trong thời gian chọn ngành học.
Duy Anh: Định hướng của em là vẫn theo học chuyên sâu về Lập trình tại Aptech. Với nền tảng 3 năm từ THPT, em chỉ cần học thêm 1 năm nữa là có bằng cử nhân CNTT từ Đại học Lincoln (LUC). Bên cạnh đó, em cũng sẽ bổ sung các kiến thức liên ngành để đảm bảo con đường đến đích của mình chuẩn từng milimet. Học phần mềm rồi, giờ em cần học cả lắp ráp và kinh doanh nữa, để sao khi đi làm em có thể hoàn thành một trong những mục tiêu mình đã đặt ra – ứng dụng robot vào mô hình kinh doanh – trong thời gian ngắn nhất.
Linh: Nhìn lại thời gian học ở Aptech, em nhận thấy mình đã thay đổi khá nhiều, cả về định hướng và tư duy. Em nhận ra mình còn rất nhiều điều có thể học hỏi và khám phá. Em nghĩ mình có thể thi thêm chứng chỉ ngoại ngữ nữa để kiếm học bổng đi du học. Với nền tảng học Lập trình tại Aptech, em tự tin có thể đi “ngao du” khắp bốn phương và phát triển bản thân ở bất cứ ngành nghề hay lĩnh vực nào.
Hiện tại, Huy Tuấn đã trở thành Lập trình viên tại một công ty game quốc tế, tự chủ tài chính ở tuổi 20 và tự tin theo đuổi con đường đã chọn. Khánh Linh đang theo đuổi sự nghiệp giảng viên CNTT, nỗ lực hết mình truyền cảm hứng và hỗ trợ các Lập trình viên trẻ. Còn Duy Anh tiếp tục bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng Lập trình và trau dồi tiếng Nhật với mục tiêu tiến tới làm việc tại xứ sở hoa anh đào – một thị trường công nghệ đầy tiềm năng.
Học Lập trình từ sớm với chương trình THPT Công nghệ Quốc tế tại Aptech đã mang lại cho các bạn không chỉ thành công trong những bước đi đầu tiên mà còn tạo điều kiện tốt để đi làm và tự chủ tài chính sớm, khác biệt rõ rệt với nhiều bạn cùng lứa vẫn còn đang trên giảng đường. Đây chính là minh chứng rõ ràng cho thấy lợi ích của việc học Lập trình từ bậc phổ thông, giúp thế hệ trẻ tự tin nắm bắt cơ hội trong thế giới công nghệ đầy triển vọng.