Nhiều chương trình “chết yểu”
Gameshow luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu với công chúng. Vì vậy, các nhà sản xuất liên tục tung ra những chương trình mới, đa dạng như âm nhạc, thời trang, ẩm thực, hẹn hò… nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Một điểm chung dễ thấy của thị trường gameshow trong những năm gần đây là khó duy trì được sức hút, nhanh chóng rơi vào quên lãng, bị ” khai tử ” chỉ sau vài mùa lên sóng. Có thể kể đến như các game show hài Ơn giời cậu đây rồi, Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm, Hội ngộ danh hài…
Nguyên nhân là do game show hài chiếm sóng khiến khán giả bội thực. Thêm vào đó, mảng miếng quen thuộc, nhàm chán được sử dụng liên tục làm chương trình mất đi sự mới mẻ, không gây ấn tượng với người xem.
Gameshow hài thoái trào, nhiều chương trình phải dừng phát sóng.
Gameshow hài đi xuống, mở ra thời đại của game show âm nhạc, vũ đạo. Tuy nhiên, nhiều chương trình vẫn khó thoát “lời nguyền mùa một”. Sau mùa đầu bùng nổ, bước sang mùa 2, Ca sĩ mặt nạ mất sức hút, các tiết mục của chương trình có lượng bàn luận thấp. Đến nay, Ca sĩ mặt nạ cũng chưa công bố trở lại với mùa 3. Nhiều khả năng, chương trình dừng sản xuất trong năm 2025.
Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa 1 từng tạo cơn sốt nhưng lại chìm nghỉm khi bước vào mùa 2. Những màn trình diễn bị cho là nhạt nhòa, không có điểm nhấn, không đạt hiệu quả như mùa 1. Lý giải sự đuối sức của Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa 2, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng chương trình chưa thể vượt qua cái bóng của mình.
“Khi mùa đầu đạt được kỳ vọng lớn, khán giả mong đợi nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn hơn ở mùa tiếp theo. Một chương trình phụ thuộc rất nhiều vào sức hút của dàn khách mời và câu chuyện mà họ mang lại. Nếu nhân vật tham gia không đủ nổi bật hoặc không tạo được những khoảnh khắc thú vị, chương trình khó giữ chân khán giả qua từng tập”, chuyên gia Ngọc Long nêu.
Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa 2 ngày càng đuối sức.
Tình trạng này đang xảy ra với Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa 2. Dù cùng chung ê-kíp sản xuất với Anh trai vượt ngàn chông gai, show Chị đẹp vẫn chưa tìm được cách để trở nên nổi bật.
Ngoài ra, sự chú ý của khán giả vẫn đặt trên hai game show hot nhất năm – Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi khiến show Chị đẹp lao đao.
Đến nay, vẫn chưa đủ số liệu để kết luận liệu chương trình có thể bị khai tử vào năm 2025. Tuy nhiên, nếu không có sự thay đổi lớn trong nội dung hoặc chiến lược truyền thông, khả năng duy trì chương trình lâu dài là rất thấp.
Vì đâu nên nỗi?
Những game show âm nhạc trải qua nhiều mùa như The Voice , Vietnam Idol hay Rap Việt… cũng đi vào lối mòn, gây thất vọng. The Voice hiện không có tên trong danh sách game show được phát sóng gần đây, Vietnam Idol trở lại rầm rộ vào năm 2023 rồi cũng biến mất.
Rap Việt bắt đầu chững lại khi hàng loạt tiết mục trong chương trình khó lọt vào top trending, sự bàn luận về show cũng thưa dần. Có thể nói Rap Việt mùa 4 thiếu nhân tố bùng nổ, khan hiếm những tiết mục đặc sắc, nhưng lại ngập tràn drama. Mặc dù nhà sản xuất đã nỗ lực làm mới format, nhưng hiệu quả không như kỳ vọng.
Rap Việt mùa 4 cố gắng làm mới nhưng không đạt hiệu quả kỳ vọng.
Nhà sản xuất âm nhạc Đoàn Minh Vũ khẳng định để một game show âm nhạc kéo dài được nhiều mùa, chương trình cần một ê-kíp có tầm nhìn. “Việc show có bao nhiêu mùa, mỗi mùa làm những gì luôn cần được lên kế hoạch ngay từ đầu. Có tâm ở đây là cân bằng được giữa lợi nhuận – chất lượng chương trình, rồi kế đến mới tới kinh nghiệm để xoay xở thật tốt trong nhiều tình huống”, nhà sản xuất âm nhạc Đoàn Minh Vũ nêu.
Ngoài ê-kíp, người tham gia chương trình chiếm vị trí quan trọng nhất ở giai đoạn đầu mỗi show. Khi đó, khán giả không thể biết được âm nhạc, tiết mục sẽ được trình diễn ra sao. Vì vậy, người tham gia đóng vai trò khái quát cho thành công ban đầu của một chương trình.
“Đây thường là vấn đề đau đầu nhất mỗi khi nhà sản xuất âm nhạc và ê-kíp khởi động một show. Ngoài ra, chúng tôi cần quan tâm đến các show phát sóng cùng thời điểm, từ đó có sự tính toán, cân đối mọi thứ cẩn thận”, nhà sản xuất âm nhạc Đoàn Minh Vũ nhận định.
Gameshow cần có sự thay đổi qua các mùa để khán giả không cảm thấy nhàm chán.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhận định thách thức lớn nhất của đội ngũ sáng tạo là phải giữ sự hấp dẫn cho show. Nếu nội dung, thử thách hay cách dàn dựng không có sự đổi mới, khán giả sẽ nhanh chóng mất hứng thú.
“Việc đổi mới trong phim đã khó, đối với các chương trình thực tế, nó còn khó gấp nhiều lần vì phải tuân theo những format chung đã được xây dựng từ trước. Các nhà sản xuất không thể thay đổi quá nhiều để tránh mất đi bản sắc ban đầu, nhưng nếu không thay đổi, khán giả sẽ cảm thấy nhàm chán”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nêu.
Thị hiếu của khán giả không ngừng thay đổi theo thời gian. Điều từng tạo nên sức hút ở mùa đầu có thể trở nên lỗi thời, kém hấp dẫn sau vài năm. Vì vậy, nhà sản xuất cần nắm rõ thị hiếu để giữ chân khán giả khi thị trường truyền hình ngày càng bão hòa.
“Áp lực tài chính cũng là rào cản lớn. Việc sản xuất các chương trình thực tế thường đòi hỏi ngân sách khổng lồ, đặc biệt là để duy trì qua nhiều mùa. Nếu chương trình không đạt đủ rating hoặc hiệu quả quảng cáo, việc thuyết phục nhà tài trợ để tiếp tục sản xuất trở nên cực kỳ khó khăn”, chuyên gia nêu.
Để một show kéo dài nhiều mùa, các chuyên gia khẳng định mọi câu trả lời đều có khán giả. Biết rõ khán giả của mình là ai, hiểu họ muốn gì được coi là nắm chắc 50% thành công của chương trình.
Gameshow vũ đạo kén khán giả
Các chương trình về vũ đạo như Nữ hoàng vũ đạo đường phố dù mới lạ và có tiềm năng nghệ thuật, nhưng việc sức hút không cao là điều dễ hiểu. “Ở thị trường giải trí Việt Nam, những chương trình như thế này vốn gặp bất lợi so với các show ca hát. Vũ đạo, dù đẹp mắt và kỹ thuật, thường chỉ dừng lại ở yếu tố “trình diễn”, khiến khán giả khó cảm thấy mình có sự liên quan trực tiếp”, chuyên gia nêu.