HHT – Blao blao xin chào, mình là Bạch Tuộc Biết Tuốt đến từ xứ sở GenAI (Generative AI). GenAI là phiên bản nâng cấp “VIP pro” mang tên Trí tuệ nhân tạo tạo sinh, được đánh dấu bằng sự kiện ChatGPT ra đời năm 2022. Với sự phát triển vượt bậc và nhanh chóng của các công cụ ứng dụng AI, hầu hết ai trong chúng ta cùng từng một lần tiếp xúc với công nghệ này. Nhưng liệu bạn đã hiểu hết về nó?
Quẹt phải profile Bạch Tuộc Biết Tuốt AI
Điểm công lực:
- Có sáu tay, siêu trợ lý và cực kỳ thông minh.
- Gu ăn mặc style tổng tài nghiêm túc, ra dáng một giáo sư biết tuốt.
Tính cách:
- Vui vẻ, hoan hỉ, thích được chia sẻ.
- Sẽ rất buồn nếu bị bỏ quên, không được sử dụng.
- Hơi mong manh nhưng không dễ vỡ khi bị cạ cứng (người dùng) nghi ngờ về kiến thức và năng lực.
Cạ cứng hỏi: Có phải GenAI là một phần mềm trò chuyện như ChatGPT?
Bạch Tuộc Biết Tuốt AI: Mình đa-zi-năng hơn “nhỏ” ChatGPT nhiều nha!
Nếu ChatGPT đơn giản là một phần mềm để trò chuyện hay trả lời câu hỏi thì GenAI xịn sò hơn, có khả năng tạo ra những nội dung mới từ dữ liệu đầu vào. Bởi vì Bạch Tuộc Biết Tuốt AI được “lĩnh hội” mô hình học sâu (deep learning) để “học” từ một lượng lớn dữ liệu – bao gồm văn bản, hình ảnh, âm thanh, và video – và sau đó tự mình tạo ra các nội dung hoàn toàn mới mà không cần sự can thiệp trực tiếp từ con người.
Ví dụ, trong lĩnh vực văn học và báo chí, GenAI có thể tự động soạn thảo các bài báo hoặc câu chuyện dựa trên các thông tin hiện có. Trong âm nhạc, AI có thể học hỏi từ các bản nhạc cũ và tạo ra những con beat mới. Với mỹ thuật, GenAI đã được sử dụng để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật số, thậm chí mô phỏng phong cách của các họa sĩ nổi tiếng.
Những công cụ phổ biến như ChatGPT, Copilot, hay Gemini là ví dụ điển hình của GenAI, nhưng mấy “ẻm” không chỉ giới hạn ở trò chuyện. Từ việc lên kế hoạch, tạo hình ảnh, đến hỗ trợ học tập và giải Toán…, GenAI mang đến một loạt các ứng dụng phong phú hơn nhiều.
Cạ cứng hỏi: Vì GenAI biết tất tần tật mọi thứ nên đáp án luôn là “10 điểm không có nhưng”?
Bạch Tuộc Biết Tuốt: Không hẳn như vậy đâu, lâu lâu GenAI cũng có lúc “ngáo ngơ” đó!
Dù bình thường hay “sĩ” về độ đa năng của mình, nhưng không phải lúc nào kết quả của GenAI cũng chính xác, vì thế khi dùng GenAI bạn nhớ kiểm chứng lại thông tin nha.
Ví dụ, khi hỏi ChatGPT câu hỏi “Số nào lớn hơn: 9.11 hay 9.9?”, nó có thể đưa ra câu trả lời sai là “9.11 lớn hơn 9.9”. Đây là một dạng lỗi phổ khi sử dụng AI đó. Ngoài ra, ChatGPT còn có “mũi tên uất hận” liên quan đến lĩnh vực bóng đá, có thể vì là fan của “anh Bảy” Cristiano Ronaldo nên ChatGPT luôn khẳng định rằng anh là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho một đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, thực tế người giữ kỷ lục này là nữ cầu thủ Christine Sinclair ở Canada.
Vì các dữ liệu mà GenAI sử dụng để “học” thường được lấy từ nhiều nguồn khác nhau trên Internet, nên sẽ có những thông tin chưa được kiểm chứng. Đó là lý do mà khi dùng AI để trả lời các câu hỏi của mình, bạn cần nhanh tay check nhẹ lại trong sách hay trên mạng để xem đáp án đã chuẩn chưa.
GenAI sẽ trở thành người bạn vô cùng tuyệt cà là vời nếu chúng mình biết cách sử dụng trong việc học tập. Để trở thành nhà bác học như Bạch Tuộc Biết Tuốt AI trong vương quốc công nghệ 4.0, chúng mình cần khai phá nhiều hơn về STEAM và AI. Tiếp tục đồng hành cùng Bạch Tuộc Biết Tuốt trên những số báo sau để nâng cấp “bộ vi xử lý AI” nha!