HHT – Sáng ngày 25/12/2024, 6.482 thí sinh bắt đầu buổi thi đầu tiên của kỳ thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2024 – 2025. Đề thi môn Ngữ Văn thu hút sự quan tâm với nhiều ý kiến cho rằng đề thi quá khó và ngữ liệu từng được sử dụng trong một kỳ thi cấp khu vực.
Đề thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn năm nay gồm 2 câu với thang điểm 20: Câu 1 là Nghị luận xã hội (8 điểm), câu 2 là Nghị luận văn học (12 điểm).
Câu hỏi nghị luận xã hội dẫn một diễn ngôn về Trái Đất của nhà khoa học người Anh James Lovelock và yêu cầu thí sinh viết một bài văn nghị luận về chủ đề “Lắng nghe sự thinh lặng”.
Ở câu nghị luận, đề thi yêu cầu thí sinh dùng trải nghiệm văn học của bản thân để bàn luận về quan điểm của nhà văn nổi tiếng người Pháp Albert Camus: “Người nghệ sĩ tôi luyện bản thân trong mối tương quan liên tục giữa mình với người khác, tại quãng đường giữa cái đẹp không thể bỏ qua và cộng đồng không thể tách khỏi”.
Đề thi môn Ngữ văn kì thi Học sinh giòi Quốc gia THPT năm 2024 – 2025. Nguồn: BLOG CHUYÊN VĂN |
Nhiều netizen cho rằng đề thi năm nay chưa có sự đổi mới, quá quen thuộc. Đối với câu 1, có người cho rằng chủ đề “lắng nghe” đã từng được xuất hiện ở kỳ thi năm 2019. Đối với câu 2, ngữ liệu của đề thi từng được xuất hiện trong một đề thi đề xuất của kỳ thi cấp khu vực năm 2018.
So sánh câu 1 đề thi HSG Quốc gia năm 2019 (ảnh 1) và câu 1 đề thi HSG Quốc gia năm 2024 (ảnh 2). Nguồn: Internet |
Ngữ liệu phần Nghị luận văn học đề thi HSG Quốc Gia 2024 – 2025 môn Ngữ văn đã từng được xuất hiện trong đề thi nguồn kỳ thi Duyên hải Bắc Bộ do trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (Quảng Nam) biên soạn. Nguồn: Internet |
Bên cạnh đó, không ít người cho rằng đề thi khá hàn lâm và có phần đánh đố thí sinh vì đã cắt nhận định của nhà văn Albert Camus ra khỏi ngữ cảnh. Tài khoản tên P.H.T trên Facebook bày tỏ:
“Đề quá khó vì thí sinh phải hiểu bối cảnh, hiểu biết nhân vật được giải Nobel, đặc trưng của diễn văn Nobel và các khái niệm như “người khác”, “cái đẹp” hay “cộng đồng”. Việc cắt nhận định ra khỏi bối cảnh diễn văn và để lại những từ ngữ mơ hồ, phức tạp khiến thí sinh gặp khó khăn trong việc chọn các góc nhìn để bàn luận. Đề thi như thế này đòi hỏi học sinh giỏi Triết.”
Giáo viên P.X.N tại Hà Nội đề xuất: “Bộ GD&ĐT từ nay trong các đề thi văn bất luận cấp độ nào nếu có dẫn câu trích dịch thì dù là có trích nguồn sách tiếng Việt hẳn hoi cũng nên nhờ các chuyên gia ngoại ngữ và bộ môn kiểm tra đối chiếu lại với bản tiếng nước ngoài để bảo đảm bản dịch chính xác, đúng nghĩa, sáng rõ trong tiếng Việt, trước khi đưa ra cho học sinh làm bài.”
Thầy Đ.Q (giáo viên Ngữ Văn tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhận xét rằng đề thi quen thuộc về cả cấu trúc, nội dung so với các năm trước:
“Mình mong đợi hơn ở đề thi cấp Quốc gia cần thể hiện rõ được sự đổi mới, sáng tạo theo tinh thần Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018. Trên thực tế, nhiều tỉnh thành hiện nay đã có sự đột phá trong cấu trúc đề thi và ngữ liệu, hướng đến phát huy phẩm chất và năng lực học sinh.”
Ngoài ra, thầy Q. cũng nhận định hai ngữ liệu được chọn khá rối về mặt câu chữ, chưa tường minh về ngữ nghĩa, sẽ là một thử thách lớn đối với học sinh tham gia kỳ thi.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến đánh giá đây là một đề thi hay. Theo một giáo viên dạy Ngữ Văn ở tỉnh Bến Tre, câu nghị luận xã hội của đề thi đặt ra một vấn đề rất thiết thực, gần gũi với cuộc sống hôm nay là lắng nghe sự thinh lặng. Đặt trong bối cảnh xã hội toàn cầu hóa, sự gia tăng của các phương tiện truyền thông đại chúng, việc lắng nghe sự thinh lặng – lắng nghe sự tĩnh lặng trong tâm hồn – cần thiết hơn cả đề chúng ta tìm lại được những giá trị cốt lõi của mình.
Đối với câu nghị luận văn học, giáo viên này cũng nhận định rằng việc đưa câu nói của Albert Camus – một tác giả văn học đạt giải Nobel cũng đã cho thấy cái “tầm” của một kì thi Quốc gia. Câu nói của Camus tuy hơi khó hiểu nhưng thực chất không quá khó với học sinh đội tuyển. “Trong quá trình ôn luyện, các em đều được tìm hiểu về đặc điểm, ý nghĩa của mối quan hệ hai chiều giữa người nghệ sĩ và cộng đồng trong văn chương.” – giáo viên này chia sẻ.
“Tôi mong rằng sẽ xuất hiện những bài làm mang tính chất bình cũ – rượu mới. Tuy ngữ liệu có thể quen thuộc nhưng cách làm mới, ý tưởng mới của học sinh mới là điều đáng để quan tâm.”
Cô P.N (giáo viên luyện thi Ngữ Văn tại Quận 5, TP.HCM) cũng cho rằng đề thi hay và có sự phân hóa cao. Ở câu 1, đề thi khá hay khi đã đặt ra hình ảnh cái cây để ví von cho sự tồn tại và phát triển trong sự thinh lặng. Đây là một ngữ liệu giàu chất văn chương, khơi gợi được cảm hứng làm bài cho thí sinh.
Câu 2 cũng có sự phân hóa khi đã chọn được một ngữ liệu hơi khó đọc/ khó nắm bắt. Tính phân hóa cao được thể hiện rất rõ nét khi đặt ra yêu cầu học sinh thể hiện năng lực đọc – hiểu tìm ý, phát triển ý và thâu tóm ý. Đây là những yêu cầu bắt buộc của một học sinh giỏi văn và cũng là định hướng kiểm tra tích hợp đọc – viết theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018.
Kỳ thi năm nay gồm 13 môn thi gồm: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật. Trong đó lần đầu tiên môn tiếng Nhật được tổ chức trong kỳ thi. Dự kiến thời gian công bố kết quả kỳ thi là cuối tháng 1/2025.