Bà mẹ trẻ hài hước gọi quyết định này là “có chút trẻ trâu”. Nhưng sau hơn 1 năm vận hành homestay, chị lại có niềm tin hơn bao giờ hết về khả năng phát triển và hút khách của căn nhà mình đang chăm chút.
“Nhiều du khách ghé thăm nhà đã phải thốt lên ‘đẹp quá’, với chiếc ‘view’ nhìn xuống toàn bộ thung lũng Mường Hoa” – chị Phạm Thị Hương, chủ căn homestay rộng hơn 100m2 ở thị trấn Sa Pa chia sẻ.
Người phụ nữ sinh năm 1993 cho biết, chị là người Kinh “chính gốc”, đã học tập và sinh sống ở Hà Nội nhiều năm. Chị từng làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, tư vấn bảo hiểm trước khi xách vali lên Sa Pa làm du lịch.
Ngày trẻ, chị thích đi phượt cùng bạn bè. Sau này, công việc của chị lại liên quan tới những nhóm người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số… Vì thế, dù sinh ra và lớn lên ở miền xuôi nhưng văn hóa, lối sống của đồng bào miền núi phía Bắc không xa lạ với chị.
Cảnh sắc của Sa Pa nói riêng và khu vực miền núi phía Bắc nói chung đã nhiều lần “đốn tim” bà mẹ một con. Chị từng ước ao có một căn nhà sàn nho nhỏ nằm trên sườn đồi để mỗi sáng thức dậy được ngắm cánh đồng lúa chín vàng, núi non trùng điệp ngay trước mắt.
Tuy nhiên, ước mơ ấy vẫn ở mãi trong tim, chưa từng được “nhóm lửa” cho tới khi chị được một người bạn rủ rê, giới thiệu một căn homestay mà chị ưng ý ngay lần đầu tới thăm.
Căn nhà nằm trên sườn đồi, giữa thung lũng Mường Hoa, gần sát đường lớn, giao thông thuận tiện. Diện tích xây dựng của căn nhà khoảng 100m2, chưa tính sân vườn.
Căn nhà được một gia đình người Mông xây lên để ở, nên cách xây dựng phù hợp với văn hóa sinh hoạt của người bản địa. Tầng 1 dành nhiều diện tích cho không gian sinh hoạt chung, có 4 phòng nhỏ. Tầng 2 cũng là không gian chung, không tách phòng.
Chị Hương tôn trọng cách bố trí không gian này nên đã sắp xếp tầng 2 dành cho khách ở tập thể, tầng 1 cho khách muốn có không gian riêng.
“Rất nhiều khách nước ngoài đến chỗ chúng tôi và chọn không gian tầng 2, không hề e ngại việc phải chung không gian với người lạ” – bà chủ homestay cho biết.
Từ một ngôi nhà dân, chị Hương thuê lại và bỏ khá nhiều công sức để trang trí, sắp xếp và bổ sung đồ đạc, trang thiết bị để phù hợp với cả gia đình chị và khách du lịch ghé chơi.
Chị định hình rõ ngay từ đầu tệp khách hàng của mình sẽ là những người có cùng “gu” với mình, thích sự thô mộc, chân chất và không gian mang đậm văn hóa của người bản địa.
Từ thủ đô lên miền núi sinh sống, lại mang theo cả con nhỏ nhưng chị không cảm thấy khó khăn hay bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Chị tự nhận mình là người thích nghi rất nhanh. Hơn nữa, khu vực ngôi nhà chị đang ở cũng thuận tiện giao thông, gần trung tâm nên cuộc sống của gia đình khá suôn sẻ sau hơn 1 năm trở thành cư dân Sa Pa.
Niềm vui lớn nhất của chị là sự hài lòng của những vị khách khi tới đây. Họ trầm trồ trước khung cảnh trước mắt, hân hoan thưởng thức những bữa cơm nhà giản dị do chính tay chị nấu, chậm rãi nhâm nhi một ly đồ uống do bà chủ tự tay chế biến.
Chị nhớ một vị khách người Ấn Độ, khi đang trên đường khám phá bản làng bằng xe máy đã ghé chân vào nhà.
“Ngay lập tức, bạn ấy bị chinh phục hoàn toàn bởi khung cảnh thung lũng Mường Hoa. Bạn không tiếc lời khen dành cho ngôi nhà của mình. Cứ thế, bạn ngồi hết chỗ này chỗ kia trong nhà, ngắm nghía, tận hưởng.
Bạn nói ngày hôm sau bạn đã phải rời Sa Pa nên rất tiếc nuối khi không biết đến nhà của mình từ trước. Sáng hôm sau, trước giờ rời đi, bạn lại đến ngồi ngắm cảnh tiếp. Dù bạn không thuê phòng để ở lại, nhưng mình vẫn rất vui và sẵn lòng chào đón bạn. Sau này, bạn cũng giới thiệu một người bạn khác đến nhà mình lưu trú khi họ ghé thăm Sa Pa”.
Với chị, kỷ niệm về những vị khách có rất nhiều. Nhưng điểm chung của hầu hết khách tới nhà chị là đều rất dễ thương, thậm chí có khách sẵn sàng phụ việc dọn dẹp phòng ốc.
“Đó là một bác gái người nước ngoài, hơn 70 tuổi đi du lịch một mình. Bác liên hệ và mong muốn ở lại 3 ngày. Thời điểm đó, gia đình mình đi vắng, không có ai ở nhà. Mình có thông báo với bác là nếu bác vẫn muốn đến thì sẽ chỉ có một mình bác ở nhà thôi. Bác nói, bác không ngại điều đó và vẫn đồng ý đến ở.
Thế là từ ý định chỉ lưu trú 3 ngày, bác ở liền 11 ngày. Và vì ở một mình nên bác cũng tự dọn dẹp phòng mình luôn. Bác còn hỏi mình có cần bác làm việc này, việc kia giúp không”.
Bà chủ sinh năm 1993 tâm sự rằng, chị rất mãn nguyện với thành quả mình đạt được sau hơn 1 năm làm homestay. Dù hiện tại nó không phải là điểm đến được quá nhiều người biết đến nhưng nó trở thành nơi đúng như chị đã hình dung.
“Tôi vẫn ưu tiên cho việc biến nó trở thành ngôi nhà của gia đình mình trước tiên. Mọi thứ được sắp xếp tối ưu nhất để các thành viên trong gia đình sống thoải mái đã.
Nhờ thế mà khách đến chơi cũng sẽ có cảm giác đang sống đúng với tính chất homestay – tức là sống cùng gia chủ. Đó là một trải nghiệm thú vị mà nhiều người mong muốn được tận hưởng trong một chuyến du lịch ở nơi giàu màu sắc văn hóa bản địa như Sa Pa”.
Ảnh: NVCC
Chàng người Mông từ tay trắng thành ông chủ homestay nổi tiếng nhất Sơn La
Tráng A Chu từ chàng trai người Mông “tay trắng” đã trở thành chủ homestay nổi tiếng bậc nhất Sơn La. Anh A Chu cũng trở thành “người thầy” giúp nhiều bạn trẻ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo từ du lịch cộng đồng.
Người Lô Lô Chải phất lên nhờ kinh doanh homestay
Lô Lô Chải (Hà Giang) trở thành điểm sáng du lịch cộng đồng sau khi bà con nông dân nơi đây biến những ngôi nhà vách đất lợp ngói truyền thống thành dịch vụ lưu trú.
Top đặc sản Sapa ngon nức tiếng, vừa thưởng thức vừa mua về làm quà
Nhiều du khách chọn đến với SaPa không chỉ vì khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp mà còn vì những món đặc sản Tây Bắc mang sức hút riêng.