HHT – Mới đây, một khảo sát từ Đại học Quốc gia TP.HCM công bố có 66,71% sinh viên rảnh từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày, chủ yếu dùng điện thoại, lướt mạng xã hội. Tranh luận về việc các bạn trẻ dùng thời gian rảnh cũng từ đây mà ra.
Theo công bố đề án nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc sử dụng thời gian rỗi với hiệu quả học tập và sự hài lòng về cuộc sống đại học của sinh viên tại ký túc xá của Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) cho thấy, có tới 66,71% sinh viên có thời gian rảnh từ 2 – 4 giờ mỗi ngày. Cũng theo nghiên cứu, khoảng thời gian này được các bạn sinh viên thường sử dụng để xem phim, nghe nhạc, sử dụng mạng xã hội thay vì quan tâm đến việc phát triển bản thân.
Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên không đồng tình với kết luận này. Nhiều bạn chia sẻ, việc rảnh từ 2 – 4 giờ trong tổng 24 giờ mỗi ngày là không nhiều, thậm chí rất ít ỏi.
Chia sẻ với Hoa Học Trò Online, bạn Nguyễn Tạ Hoàng Ngân (sinh viên trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) bày tỏ: “Đối với mình, nếu đã có một ngày rất bận rộn với công việc và học tập, việc dành 2 – 4 tiếng một ngày để đi hẹn hò tâm sự với bạn bè, đọc sách hoặc học các khóa học để củng cố những kỹ năng chuyên ngành cũng không có vấn đề gì”.
Bạn Kiều Minh Hùng (sinh viên trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) cho rằng việc dùng thời gian rảnh cho các hoạt động giải trí là chuyện bình thường. “Bản thân mình là sinh viên năm 3, học 2 buổi mỗi ngày thì việc trau dồi thêm cho bản thân là hơi quá tải. Trừ phi có những bài tập về nhà hay có deadline, còn không thì mình chủ yếu xem mạng xã hội như một hình thức vừa thư giãn vừa cập nhật thông tin.”
Bạn Minh Hùng cho rằng thời gian rảnh dùng để giải trí giúp bản thân không bị quá tải. |
Là một sinh viên năm cuối, bạn Vũ Minh Đức (sinh viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM) thường có 2 – 3 tiếng rảnh trong một ngày. Những lúc ấy, việc “lướt mạng” như một cách để Minh Đức tìm lại cân bằng để không bị overthinking về khoảng thời gian sau tốt nghiệp trong tương lai.
Bạn Minh Đức cho rằng thời gian rảnh sẽ giúp bạn suy nghĩ kỹ về những dự định tương lai. |
Bạn Phạm Hải Ly (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thì cho biết: “Mỗi ngày, mình có khoảng 2 – 3 tiếng thời gian rảnh. Trong thời gian đó, mình học thêm ngôn ngữ Hàn để trau dồi khả năng ngoại ngữ. Ngoài ra, mình thường xuyên tham gia các workshop như làm gốm, thêu tranh… để có thêm nhiều kỹ năng mới cũng như kết bạn với nhiều người có cùng đam mê với mình”.
Bạn Hải Ly sẽ dùng thời gian rảnh để học thêm ngôn ngữ hoặc tham gia workshop. |
Bạn Nguyễn Thị Thùy Linh (sinh viên trường Đại học Hà Nội) thường rảnh 4 tiếng mỗi ngày. Cô bạn dành khoảng 1 tiếng để xem phim và lướt mạng xã hội. Thời gian còn lại Thùy Linh tham gia các câu lạc bộ ở trường để rèn luyện các kỹ năng mềm quan trọng.
Thùy Linh cho rằng, quỹ thời gian mỗi ngày đều được Gen Z phân bố rất đa dạng. Việc dành thời gian vài tiếng trong ngày để giải trí, dùng điện thoại chưa thể khẳng định Gen Z không chăm chút hay phát triển bản thân. Vì đôi khi, vài giờ đồng hồ đó là thời gian rảnh hiếm hoi của Gen Z sau ngày dài “chạy đua” với deadline từ công việc đến học hành.