HHT – Bộ GD&ĐT đã công bố bộ đề thi tham khảo các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. So với đề thi những năm trước, đề minh họa môn Ngữ văn đã có nhiều sự thay đổi trong cách ra đề. Vậy các thí sinh cần phải lưu ý những gì để “vượt ải” thành công?
Đổi mới – Cái khó ló cái lợi
Đề tham khảo môn Ngữ Văn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vẫn giữ nguyên 2 phần chính là Đọc hiểu và Viết. Phần đọc hiểu ngoài việc tăng số lượng câu hỏi từ 4 lên 5 câu thì không quá khác biệt so với đề thi của những năm trước. Tuy nhiên, ở phần Viết, đã có sự thay đổi rõ rệt trong yêu cầu về nội dung và hình thức của câu Nghị luận văn học và Nghị luận xã hội.
Nghị luận văn học đã chuyển định hướng đánh giá từ cảm thụ sâu một tác phẩm kinh điển có trong sách giáo khoa sang việc yêu cầu học sinh nắm chắc kỹ năng cần có để làm một bài phân tích, dùng ngữ liệu hoàn toàn mới để học sinh tự khai thác dưới dạng đoạn văn khoảng 200 chữ.
Theo barem chấm điểm được công bố kèm theo đề tham khảo, chỉ cần tuân thủ hình thức, diễn đạt và có phần ý kiến sáng tạo là thí sinh đã được một điểm, điểm còn lại sẽ dành cho phần nội dung. Đáp án được đưa ra sẽ theo dạng từ khóa chính, hoàn toàn linh động và ghi nhận sự sáng tạo, cảm nhận riêng biệt từ mỗi bài viết. Thí sinh chỉ cần làm đủ các bước là nắm chắc điểm cao, tránh viết dài dòng, bay bổng dẫn đến lan man, lạc đề.
Bài văn Nghị luận xã hội trở thành phần chiếm nhiều điểm hơn trong đề thi minh họa môn Ngữ văn năm 2025. Điều này yêu cầu các thí sinh cần dành nhiều thời gian và công sức hơn để triển khai. Chủ đề được đặt ra vẫn đảm bảo tính thời sự, hợp xu hướng phát triển chung của xã hội, gần gũi với phạm vi tiếp cận của các bạn học sinh. Để thực hiện bài văn ở mức độ cơ bản, chỉ cần nắm rõ và triển khai đầy đủ các bước cần có của một bài Nghị luận xã hội.
Bí kíp “vượt ải” đề Văn mới
Ảnh: NVCC |
Bạn Trần Diệu Linh (lớp 12A2, trường THPT Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ bí kíp học Văn của mình, đó là “biến sách giáo khoa thành bí kíp gối đầu”. Linh chia sẻ, từ lớp 10, khi bắt đầu học chương trình mới, bạn đã theo sát các kiến thức được trình bày trong sách giáo khoa.
“Có thể nhiều bạn không để ý, nhưng trong sách giáo khoa hiện nay, kiến thức được thiết kế tương đối logic, mỗi thể loại đều có 3 văn bản làm ví dụ, xuyên suốt mỗi tác phẩm đều có thẻ đọc định hướng suy nghĩ cho người học. Hình thành thói quen đoán ý qua các gợi ý của sách giúp mình tư duy tốt hơn, hoàn toàn có thể tự nắm được nội dung cơ bản mà tác giả muốn truyền tải, làm nhiều lần thì sẽ quen cách tìm hiểu chung cho bất kỳ bài nào trong thể loại đó. Đến khi đi thi cứ thể vận dụng là được”.
Bạn Đỗ Minh Quân, học sinh lớp 12 Toán, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm bộc bạch, cậu bạn không có nền tảng tốt ở môn Văn, cũng không đặt quá nhiều áp lực đạt điểm số cao ở bài thi này. Tuy nhiên, Minh Quân vẫn có “bí quyết tủ” để luôn có mức điểm khá.
Cậu bạn chia sẻ bản thân không bỏ sót ý nào được cho điểm: “Muốn làm được như vậy thì phải hiểu thật kỹ format đề thi, hình dung được biểu điểm của từng câu, ví dụ bài nghị luận văn học phải full điểm hình thức, diễn đạt; bài nghị luận xã hội cần làm đủ các bước theo công thức”.
Ảnh: Báo Tiền Phong |
Bạn Đỗ Bá Thảo Nguyên, học sinh lớp 12A10, trường THPT Lê Quý Đôn – Đống Đa, Hà Nội tiết lộ: “Riêng bản thân mình rất thích sự thay đổi trong chương trình mới, mình nghĩ rằng học Văn không chỉ là nghe chép, ghi nhớ về một tác phẩm cụ thể mà còn để mở mang tư duy và nâng cao khả năng diễn đạt. Thế giới văn chương phong phú đến thế, ta phải đọc nhiều, xem nhiều, nghiên cứu tranh ảnh, sách báo thì mới hiểu được. Đọc được nhiều thì mới viết được nhiều, viết được nhiều thì mới đạt điểm cao. Mình thích sưu tầm trích dẫn hay và xem “chữa lành cuộc sống” để lấy vốn từ cho bài nghị luận xã hội. Hoàn thành tốt câu hỏi này mới có thể đến gần hơn với mục tiêu 9+”.
Hy vọng teen 2K7 sẽ bỏ túi được những bí kíp hữu ích, vượt “vũ môn” thành công trong kỳ tốt nghiệp THPT năm 2025.