HHT – 9 Đại học của Việt Nam vừa lọt vào bảng xếp hạng Đại học thế giới năm 2025 của THE, trong đó có những cái tên mới như Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Y Hà Nội, Đại học Mở TP.HCM.
Bảng xếp hạng Đại học thế giới năm 2025 của Times Higher Education (THE) đã trở thành một công cụ quan trọng để các trường Đại học trên toàn cầu đánh giá và so sánh chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, và tầm nhìn quốc tế của mình.
Bảng xếp hạng này được dựa trên 18 chỉ số, tập trung vào 5 yếu tố cốt lõi: chất lượng giảng dạy (30%), nghiên cứu (30%), trích dẫn nghiên cứu (30%), triển vọng quốc tế (7,5%), và thu nhập từ hợp tác doanh nghiệp (2,5%).
Các chỉ số này được xem xét kỹ lưỡng nhằm phản ánh toàn diện khả năng của một trường đại học trong việc cung cấp một môi trường học tập và nghiên cứu xuất sắc, cũng như khả năng đóng góp vào cộng đồng toàn cầu.
Chất lượng giảng dạy được đánh giá dựa trên các tiêu chí như môi trường giảng dạy, khối lượng sinh viên trên mỗi giảng viên, và mức độ hài lòng của sinh viên. Điều này giúp phản ánh khả năng của trường trong việc truyền đạt kiến thức và phát triển tư duy độc lập cho sinh viên.
Nghiên cứu là một yếu tố quan trọng, đánh giá chất lượng và khối lượng các công trình nghiên cứu do trường công bố. Ngoài ra, mức độ trích dẫn nghiên cứu là thước đo đánh giá tầm ảnh hưởng của các nghiên cứu đó trong cộng đồng khoa học toàn cầu.
Triển vọng quốc tế đo lường mức độ thu hút sinh viên và giảng viên quốc tế, cũng như khả năng hợp tác và thực hiện các nghiên cứu liên quốc gia. Đây là yếu tố quan trọng giúp các trường mở rộng quan hệ hợp tác toàn cầu, đồng thời nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu thông qua tiếp cận với các tri thức và phương pháp mới từ nhiều quốc gia.
Cuối cùng, thu nhập từ hợp tác doanh nghiệp phản ánh mức độ gắn kết của các trường với thực tiễn, ứng dụng khoa học và công nghệ vào đời sống.
Mới đây, Tổ chức Times Higher Education (THE) công bố bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới năm 2025. Trong đó, Việt Nam có 9 đại diện, nhiều nhất từ trước đến nay. Dù lần đầu tiên góp mặt trong bảng xếp hạng song Đại học Kinh tế TP.HCM được xếp ở vị trí 501-600, cao nhất trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Tiếp đến là Đại học Duy Tân và ĐH Tôn Đức Thắng, hạng 601-800. Cũng lần đầu tiên được xếp hạng, Đại học Y Hà Nội và Đại học Mở TP.HCM nằm trong nhóm 801-1.000 và 1.201-1.500.
9 đại học của Việt Nam vừa lọt vào bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2025 của THE. |
Thứ hạng của các đơn vị xếp sau có: Đại học Quốc gia Hà Nội trong nhóm 1201-1500, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Huế và Đại học Bách khoa Hà Nội cùng nhóm 1501+… Trừ 3 gương mặt mới, 6 đại diện còn lại của Việt Nam đều giữ nguyên thứ hạng năm ngoái.
Xét trên toàn thế giới, Đại học Oxford vẫn giữ vững vị trí hàng đầu trong năm thứ 9 liên tiếp nhờ những cải thiện đáng kể trong chất lượng giảng dạy. Theo sau là Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vươn lên vị trí thứ 2, vượt qua Đại học Stanford đã tụt xuống vị trí thứ 6. Các trường trong Top 10 chủ yếu ở Mỹ và Anh.