2024 là một năm bùng nổ của màn ảnh rộng xứ Hàn, củng cố thêm phần vững chắc vị thế của phim truyền hình trong làng giải trí xứ sở kim chi. Khán giả được chiêu đãi bữa tiệc drama siêu “bánh cuốn”, từ Marry My Husband, Queen Of Tears cho tới Lovely Runner và Good Partner. Bên cạnh những thành công vang dội đó, Kbiz cũng phải chứng kiến màn thể hiện tệ hại của không ít dự án nghệ thuật, cả về chất lượng lẫn công tác sản xuất. Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, tạp chí đình đám JoyNews24 đã tiến hành cuộc khảo sát với sự tham gia của 200 chuyên gia trong ngành giải trí nhằm chọn ra 8 bộ phim Hàn dở nhất năm nay.
1. Queen Woo
Top 1 đội hình xướng tên bom tấn cổ trang Queen Woo (Nữ Hoàng Woo) có sự tham gia của nam thần Ji Chang Wook và “điên nữ” Jeon Jong Seo. Được dán mác 19+, bộ phim ngay lập tức vướng phải làn sóng chỉ trích vì quá lạm dụng cảnh nóng, làm lu mờ đi nội dung kịch tính, khá chỉn chu như một tác phẩm điện ảnh. Cứ vài phút trôi qua lại có một hoặc vài nhân vật khỏa thân lên sóng mà không đem lại chút thông tin hữu ích hay bổ trợ cho những diễn biến sắp tới. Loạt khoảnh khắc ân ái gây đỏ mặt giữa các nhân vật tạo nên bùng binh phức tạp, vừa gây khó hiểu mà lại thừa thãi, khiến tác phẩm cổ trang bị cho là không phù hợp chuẩn mực và thuần phong mỹ tục.
2. The Escape of the Seven: Ressurection
Theo sát nút ngôi vương chính là The Escape of the Seven: Ressurection (Cuộc Chiến Sinh Tồn: Hồi Sinh). Với chi phí đầu tư lên đến 46 tỷ Won (850 tỷ đồng), siêu dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra cơn địa chấn thứ 2 tương tự như Penthouse nhưng đời không như là mơ. Dù phần 1 thất bại ê chề nhưng nhà sản xuất vẫn cố đấm ăn xôi, thực hiện hậu truyện của bộ phim để rồi khán giả nhận lại là một nồi lẩu thập cẩm vô vị và nhàm chán. Phần 1 được o bế linh đình khắp MXH nhưng phần 2 không tạo nổi chút bọt sóng bởi netizen đã phát ngấy với những cú twist gây sốc lố lăng đến mức phi lý. Yếu tố chết đi sống lại đầy ảo ma, dấu ấn riêng của Penthouse, cũng bị “vắt sữa” bằng sạch khiến khán giả hoàn toàn chịu thua.
3. Beauty And Mr Romantic
Hạ cánh ở vị trí thứ 3 là Beauty And Mr Romantic (Người Đẹp Và Chàng Khờ). Với rating dao động khoảng 15 – 20%, đứng đầu tỷ suất người xem trong khoảng thời gian phát sóng nhưng dự án đài KBS vẫn bị xem là một thất bại đáng quên vì tình tiết phim rập khuôn, sáo rỗng. Vốn được giới thiệu là một bộ phim truyền hình rom-com nhưng nội dung tràn đầy drama khó hiểu thay vì nội dung nhẹ nhàng, tươi sáng khiến người xem ngao ngán. Đỉnh điểm tranh cãi chính là tình huống Park Do Ra (Im Soo Hyang) phải chụp ảnh khỏa thân để hoàn trả lại món nợ cờ bạc của mẹ cô. Điều duy nhất có thể níu chân khán giả ở lại chính là sắc vóc cũng như diễn xuất của Im Soo Hyang vô cùng ổn định, được đánh giá là “gánh” còng lưng “rác phẩm.”
4. Love Next Door
Gây bất ngờ nhất trong bảng xếp hạng chính là Love Next Door (Con Trai Bạn Mẹ). Quy tụ dàn diễn viên nam thanh nữ tú, siêu phẩm chữa lành đã gây tiếng vang lớn khắp mặt trận phim ảnh, nối tiếp chuỗi bom tấn của đài tvN. Có ý kiến cho rằng, lý do bộ phim bị đánh giá thấp là do mô típ ngôn tình cũ rích, bắt đầu từ việc nữ chính nổi hứng “chán đời” từ bỏ mọi thứ, cùng lúc đó là nam chính đủ combo mặt đẹp tiền đầy túi xuất hiện một cách không thể tình cờ hơn. Cặp “thanh mai trúc mã” tái ngộ sau nhiều năm xa cách và tất nhiên, khán giả đã “đọc vị” kịch bản này ngay từ những tập đầu. Love Next Door không phải là một bộ phim tệ, chỉ là tình tiết phim quá dễ nắm bắt, tạo cảm giác một màu quen thuộc.
5. Gyeongseong Creature 2
Hạng 5 gọi tên Gyeongseong Creature 2 (Sinh Vật Gyeongseong 2) kể từ khi phần 1 đại thắng năm ngoái. Điều khiến sức nóng của bộ phim bị hạ nhiệt đi đáng kể chính là quyết định “nhảy vọt” thời gian tới xã hội hiện đại của đạo diễn. Sức hút của Gyeongseong Creature nằm ở việc lột tả sự đấu tranh của những người bị áp bực, đày đọa bởi chủ nghĩa thực dân một cách ly kỳ, độc đáo. Đồng thời, mảng màu phim tại những năm cuối thế chiến thứ II cũng góp phần tạo nên món gia vị mới lạ, không gây nhàm chán. Sang đến phần 2, tác phẩm đình đám trở lại với nội dung khoa học viễn tưởng dễ bị lãng quên như bao bộ phim cùng thể loại. Cộng thêm việc quá phụ thuộc vào CGI nên nhiều phân cảnh tưởng chừng một tựa game kinh dị trên Internet, chất lượng của Gyeongseong Creature 2 sụt giảm rõ rệt so với người tiền nhiệm của mình, đến cả Han So Hee lẫn Park Seo Joon cũng không thể cứu vãn được bước thụt lùi này.
6. Sweet Home 3
Tương tự trường hợp của Gyeongseong Creature 2, phần thứ 3 của Sweet Home (Thế Giới Ma Quái) gây thất vọng tràn trề vì chất lượng phim lao dốc không phanh. “Con cưng” của đạo diễn Lee Eung Bok tạo ra luồng ý kiến trái chiều mạnh mẽ trên MXH vì nội dung rời rạc, rối rắm, lạc quẻ hẳn so với 2 mùa phim trước. Mối quan hệ của các nhân vật cũng gây nhiễu loạn, cộng thêm bộ phim tập trung vào những tình tiết phụ không cần thiết. Kỹ xảo của Sweet Home 3 cũng là một điểm trừ khi ngay từ phần đầu, những con quái vật đã được xây dựng một cách không thể giả trân hơn, thì đến phần 3 cũng không khấm khá hơn là bao, thậm chí còn tệ hơn. Diễn xuất của nam chính Song Kang bị đánh giá là đơ như tượng, chủ yếu visual “đẹp hơn hoa” của anh chính là thứ khiến khán giả nguôi ngoai đi phần nào.
7. Red Swan
Red Swan (Thiên Nga Đỏ) ngay từ trước khi phát sóng đã thu hút đông đảo sự chú ý của người hâm mộ nhờ sự góp mặt của dàn sao thực lực như Bi Rain và Kang Han Neul, hứa hẹn sẽ đem đến những thước phim bùng nổ trong vũ trụ tài phiệt Hàn Quốc. Tuy nhiên, có vẻ tầm ảnh hưởng của Penthouse quá lớn nên thành ra loạt dự án ăn theo sau đó đều nhận về kết cục đại bại. Vì chủ đề khai thác mặt tối của giới tài phiệt, đầy rẫy drama và uẩn khúc nên mảng miếng gây cười cũng sẽ góp phần quan trọng vào tình tiết của bộ phim, thứ mà Red Swan không thể làm được. Kịch bản thì “nhạt như nước ốc,” cảnh cao trào thiếu kịch tính, bối cảnh thượng lưu trong phim cũng toát ra vẻ kém sang. “Chemistry” của cặp đôi chính cũng bị đánh giá là hời hợt, không ăn ý. Tóm lại, đây là một tác phẩm “ăn liền” khác về giới thượng lưu, cũng như màn tái xuất khó quên của Bi Rain và Kang Han Neul.
8. Korea Khitan War
Chốt sổ là bom tấn sử thi 500 tỷ đồng – Korea Khitan War (Chiến Tranh Goryeo – Khitan). Khởi đầu với mức rating ấn tượng, càng về sau, bộ phim càng “lộ nguyên hình” với đầy lỗ hổng. Điều gây thất vọng nhất chính là diễn xuất của nam chính Kim Dong Jun. Là một idol “đá chéo sân”, tài năng của anh chàng vẫn còn nhiều khuyết điểm và hạn chế, điển hình là giọng thoại sượng trân và biểu cảm “mắt chữ A, mồm chữ O” không thay đổi xuyên suốt cả bộ phim. Điều này khiến khán giả bị phân tâm ít nhiều khi cố gắng theo dõi bộ phim, thậm chí nhiều khoảnh khắc gây cười dù bộ phim lấy chủ đề lịch sử – chính kịch.